Phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu (P2)

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước những biến đổi phức tạp của khí hậu, ngành thủy sản Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng các mô hình nuôi trồng mới, hướng đến sự phát triển bền vững. Thủy sản Việt Nam xin giới thiệu những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả tại Sóc Trăng và Cà Mau, cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Sóc Trăng

Huyện Mỹ Xuyên là địa phương thuộc vùng tiếp giáp giữa nước mặn và nước lợ. Đây cũng từng là một trong những vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của tỉnh với diện tích thả nuôi hằng năm đạt khoảng 18.000 ha. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích thả nuôi tôm toàn huyện mới chỉ đạt 7.000 ha, thấp hơn 1.800 ha so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích thả nuôi các loại thủy sản khác liên tục tăng, hiện đạt khoảng 400 ha, với nhiều đối tượng khác nhau như: cá chốt, cua biển, tôm càng xanh.

Sau nhiều năm thua lỗ do giá thành và dịch bệnh xảy ra trên con tôm sú và tôm thẻ chân trắng, một số hộ ở huyện Mỹ Xuyên đã quyết định tận dụng ao nuôi sẵn có để chuyển hẳn qua nuôi tôm càng xanh. Điển hình như hộ ông Lê Văn Hùng ở ấp Bình Hòa 2, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên. Tôm càng xanh có nhiều ưu điểm, thích nghi và phát triển tốt ở độ mặn dao động đến 15‰, nên tôm rất ít khi xảy ra thiệt hại do tác động từ yếu tố môi trường, thời tiết. Ngoài nguồn thức ăn công nghiệp, người nuôi có thể tận dụng nguồn phụ phế phẩm khác trong chăn nuôi và một số loại cá tạp sẵn có để bổ sung thêm cho tôm ăn nên tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định. Tôm đến cỡ xuất bán, nông dân có thể tiến hành thu hoạch tỉa mỗi ngày với giá bán dao động từ 120.000 – 140.000 đồng/kg. Điều quan trọng là giá bán và đầu ra của tôm càng xanh ít phụ thuộc vào sự biến động của thị trường như tôm sú hay tôm thẻ chân trắng.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi gia tăng cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều thành viên tại Hợp tác xã nông ngư Hòa Đê ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên không còn mặn mà gắn bó với nghề nuôi. Để tìm ra định hướng phát triển phù hợp dựa trên điều kiện sẵn có, đầu năm 2024, Hợp tác xã đã mạnh dạn thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua biển với diện tích 10 ha.

Cua biển là đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đây cũng được xem là giống vật nuôi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu khi có thể thích nghi tốt ở độ mặn từ 5 – 30‰. Theo Hợp tác xã chia sẻ, tỷ lệ hao hụt trong nuôi cua biển là rất ít, chiếm khoảng 30%. Bên cạnh đó, cua biển cũng ít tốn chi phí đầu tư hơn so với tôm sú, tôm thẻ và một số giống thủy sản khác khi có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: cá tạp, còng, ốc, hến… Vì giá bán luôn tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu dùng nên người nuôi không lo ngại về chuyện thua lỗ mà chỉ chú tâm các khâu chăm sóc để cua nhanh phát triển. An tâm lớn nhất của thành viên Hợp tác xã là cua nuôi đạt trọng lượng mỗi con từ 150 – 200 gram (khoảng 70% thịt) sẽ được công ty hợp đồng thu mua với giá ổn định từ 140.000 – 180.000 đồng/kg.

Cà Mau

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, giúp người nuôi bảo vệ được môi trường sinh thái, hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi, hướng đến phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản. Trong đó, mô hình tôm – lúa, tôm rừng được xem là những mô hình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người nuôi.

Nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn tại Cà Mau. Ảnh: Đồng Thái

Tỉnh Cà Mau có tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000 ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Trong đó, có hơn 86.000 ha sản xuất tôm – lúa, tôm – rừng, tôm – cua – cá, gần 186.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và 6.700 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 231 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,2 tỷ USD.

Toàn tỉnh có khoảng 45.000 ha sản xuất tôm – lúa, tập trung chủ yếu ở huyện các Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Đây được xem là mô hình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đây là mô hình có tính đặc thù, tôm được thả nuôi trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa. Quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa làm cho nhiều mầm bệnh trên tôm không sống được trong môi trường nước ngọt và ngược lại. Sau khi thu hoạch lúa, phần gốc rạ sẽ là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Những chất thải trong quá trình nuôi tôm là nguồn dinh dưỡng để cây lúa phát triển tốt. Chính vì lợi ích kép này mà nông dân canh tác lúa – tôm không cần sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường và an toàn đối với sức khỏe cộng đồng.

Ngoài mô hình tôm – lúa, những năm gần đây, mô hình sản xuất tôm – rừng được tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển. Đến cuối năm 2023, tỉnh có khoảng 39.500 ha tôm – rừng, tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân. Trong đó, có khoảng 19.000 ha, với gần 4.200 hộ nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế. Mô hình được đánh giá đảm bảo hài hòa lợi ích giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Rừng giúp khôi phục và cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước, cung cấp thức ăn tự nhiên và tạo bóng râm để tôm trú ngụ. Người nuôi không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi và sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên. Từ đó, giảm chất thải, giúp môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, giảm tỉ lệ rủi ro và chi phí đầu vào cho người nuôi. Mô hình tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng của các thị trường nhập khẩu khó tính.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt, cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã và đang quan tâm đến bảo vệ môi trường sinh thái trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Theo đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp, mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, hiệu quả nhất hiện nay là mô hình tôm – lúa và tôm – rừng và nuôi tôm quảng canh cải tiến. Đây là những mô hình mang lại hiệu quả cao trong thích ứng biến đổi khí hậu, vừa duy trì được môi trường sinh thái, vừa đảm bảo cung ứng sản phẩm tôm sạch, đạt các chứng nhận quốc tế. Thời gian tới, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, hướng đến hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Có như thế thì sản xuất tôm trên địa bàn tỉnh mới có thể phát triển bền vững”.

Anh Vũ

Linh hoạt thích ứng thông qua việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản được xem là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân duy trì sinh kế ổn định trong điều kiện thời tiết cực đoan; đồng thời, giảm áp lực đối với nghề nuôi tôm nước lợ trước nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Dù vậy, để các mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, đòi hỏi người dân cần nắm vững các yêu cầu kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng; quan trọng là xác định được đối tượng vật nuôi phù hợp với định hướng thị trường để không phải chịu sức ép trước biến động cung - cầu trên thị trường.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!