(TSVN) – Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Chính trị xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng “nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”. Do vậy, với nhiều lợi thế về NTTS, tỉnh Khánh Hòa đang từng bước phát triển nuôi biển gắn với du lịch một cách hiệu quả.
Khánh Hòa có đường biển dài 385 km cùng 200 hòn đảo lớn nhỏ; có nhiều đầm, vịnh như vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu; cùng đó, địa phương cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như Trường Đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu NTTS III… Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khá phát triển, đã chủ động sản xuất được nhiều giống mới, hoàn thiện nhiều quy trình nuôi tiên tiến cho năng suất cao. Hiện nay, Khánh Hòa có 5 vùng nuôi trên triều chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang, huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh. Đối tượng nuôi chủ yếu là TTCT, tôm sú, cá biển, ốc hương, cua… với tổng diện tích NTTS hàng năm trên 4.000 ha, sản lượng đạt 16.000 – 18.000 tấn. Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh vơi khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng thu được trên 1.300 tấn. Ngoài ra, nhóm cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, các chim vây vàng… với khoảng 9.740 lồng với tổng sản lượng 8.000 tấn…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế to lớn này, phát triển nuôi biển tại tỉnh Khánh Hòa cũng còn không ít trở ngại. Như chia sẻ của ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, các vùng nuôi lồng bè hiện nay chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh. Ngư dân nuôi biển trong tỉnh chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn; một số vùng nuôi nằm chồng lấn với các quy hoạch khác của tỉnh. Công nghệ nuôi biển bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số đối tượng chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu nuôi thử nghiệm. Đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm; khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo, con giống sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm…
Đại diện Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, để nuôi biển công nghiệp được thực hiện và phát triển bền vững thì điều cần thiết là phải có quy hoạch không gian biển. Trong đó, cần phải giải quyết được một số vấn đề trong quy hoạch phát triển kinh tế biển như mâu thuẫn không gian giữa các ngành kinh tế: Du lịch – nuôi trồng, hàng hải – thủy sản, bảo tồn – khai thác thủy sản, du lịch – bảo tồn; tính tương tác và tác động lẫn nhau của các hoạt động trên đảo và trên mặt nước biển.
Là một quốc gia cũng có nghề nuôi biển phát triển, nhiều năm qua Na Uy cũng đã có những chính sách tạo điều kiện cho hoạt động nuôi biển gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả. Ông Arne – Kjetil Liam, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho biết, chính quyền Na Uy cấp giấy phép miễn phí cho các trang trại nuôi cá trên biển kết hợp du lịch (trang trại biểu diễn) đây là một trong những chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, để có được giấy phép này các doanh nghiệp phải đấu giá và giấy phép được hoạt động trong 10 năm. Đến nay, Na Uy đã cấp 30 giấy phép, hiện đã có 27 dự án đi vào hoạt động và 3 dự án đang triển khai. Để được cấp phép, doanh nghiệp phải có nguồn lực kinh tế lớn, kiến thức nuôi biển và sẵn sàng tổ chức cho du khách tham quan. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép đều là doanh nghiệp hàng đầu tại Na Uy.
Chia sẻ tại hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Khánh Hòa vừa qua, đại diện của Bảo tàng Kyst Museum cũng đã giới thiệu mô hình tích hợp nuôi biển với du lịch ở Na Uy. Với mô hình này, du khách có thể tham quan, chứng kiến các quy trình nuôi cá trên biển; từ đó, người xem có thêm nhiều hiểu biết về nuôi trồng thủy sản. Đây là điều kiện để thu hút được cả du khách cũng như người dân địa phương đến du lịch trải nghiệm. Hay mô hình nuôi biển đa canh tổng hợp (IMTA) kết hợp du lịch biển trải nghiệm ở quy mô nhỏ của Công ty TNHH Trí Tín. IMTA là hệ thống nuôi biển đa loài được thiết kế sao cho các chất thải của loài được nuôi này trở thành chất dinh dưỡng cho các loại khác được nuôi trong cùng hệ thống. Vì vậy, việc áp dụng IMTA sẽ góp phần bảo vệ môi trường biển, làm gia tăng đáng kể hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích và hỗ trợ cho sự phát triển một số ngành liên quan, tạo sự phát triển bền vững và hiệu quả xã hội được nâng cao.
Để phát triển nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nuôi biển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ nuôi bị giải tỏa, di dời; hỗ trợ chuyển đổi lồng nuôi cho ngư dân sang vật liệu phù hợp, chịu được ảnh hưởng của thời tiết tốt hơn… Cùng đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng tiêu chuẩn trang trại, từ đó đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm trong ngành nuôi biển; tham mưu Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng về giao khu vực biển để NTTS không bị chồng lấn với các ngành kinh tế khác và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Hải Lý