Phát triển nuôi biển vì tương lai xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nay, nuôi trồng thủy sản trên biển (còn gọi là nuôi biển) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Tuy tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển là có nhưng muốn “bay xa”, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, nghề nuôi biển vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ.

Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XV xung quanh vấn đề này.

PV: Theo Bộ NN&PTNT, bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển nằm trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam gắn liền với giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Nhận định của ông về vấn đề này nhất là việc phát triển nghề nuôi biển, thưa ông?

Thủy sản là ngành kinh tế sản xuất hàng hoá gắn với thị trường có kiểm soát với cơ cấu chính gồm: Khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, cơ sở hạ tầng nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Về đại thể, phát triển thủy sản diễn ra trên hai mảng không gian chính là: Nội địa (nước ngọt) và nghề cá biển (nước mặn và lợ). Đích chung của ngành thủy sản nước ta hướng tới là phát triển nghề cá biển hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm dựa trên nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và được điều tiết linh hoạt theo diễn biến của thị trường.

Hơn 35 năm đổi mới vừa qua, ngành thủy sản nước ta đã duy trì được mức tăng trưởng liên tục và khá ổn định, đóng góp quan trọng vào thị phần xuất khẩu của đất nước. Song, sự tăng trưởng đó chưa tác động là bao đến đời sống của chính người lao động nghề cá, đặc biệt ngư dân, trong khi nguồn lợi hải sản giảm sút nhanh chóng, đôi nơi nghiêm trọng. Chỉ riêng trữ lượng hải sản ở vùng biển thềm lục địa và khu vực biển huyện đảo Trường Sa của nước ta đã giảm 14 – 16% so với trước năm 2010 và từ năm 2000, vùng biển sát bờ (độ sâu từ bờ ra đến 30m), về cơ bản, đã bị đánh bắt quá mức (Over-fishing); diện tích các hệ sinh thái biển – ven biển tiêu biểu (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, đất ngập nước thủy triều) bị thu hẹp (40% – 70%) và suy thoái do bị tẩy trắng; hiệu suất khai thác cũng giảm sút nhanh so với trước năm 1980, trong khi cường lực đánh bắt vẫn vượt quá khả năng nguồn lợi. “Ao nhà” ít tôm cá, ngư dân ta đã đi đánh cá bất hợp pháp (IUU) và nghề cá đánh bắt bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” từ 6 năm trước, giờ vẫn chưa thể khắc phục dù cả nước đã rất cố gắng vào cuộc.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai biển diễn biến khó lường, ngày càng cực đoan thì hoạt động của con người trên biển, đảo và vùng ven biển đã làm cường hóa các tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản của những tác nhân trên. Vì vậy, việc giảm khai thác và cường lực khai thác thủy sản, gia tăng NTTS nước mặn – lợ, ưu tiên NTTS trên biển (gọi tắt là nuôi biển) là một chủ trương đúng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và mang tầm chiến lược nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả ở nước ta, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

PV: Có thể thấy, nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng trong đó có nguồn lợi từ biển. Theo ông, việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển trong kinh tế biển có phải là giải pháp cho vấn đề này và cần thực hiện ra sao?

Nhìn từ góc độ môi trường thì ngành thủy sản vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm”. Phát triển thủy sản chịu tác động rất mạnh từ các hoạt động kinh tế biển, ven biển khác (gây ô nhiễm, suy thoái, thu hẹp diện tích hệ sinh thái…). Ngược lại, các hoạt động sản xuất thủy sản cũng thải ra môi trường các chất thải hữu cơ dễ phân hủy, phát tán rộng và các chất thải rắn khó phân hủy, bao gồm rác thải nhựa (lưới sợi, bao bì nilon, hộp xốp…).

Trong điều kiện nguồn lợi hải sản và cơ sở nguồn lợi cho phát triển thủy sản bền vững ở nước ta bị giảm sút nghiêm trọng thì việc cân bằng giữa môi trường và phát triển sẽ là cách tiếp cận quan trọng. Nguyên tắc cân bằng giữa môi trường và phát triển thủy sản và công bằng lợi ích giữa các thế hệ đã được xem là con đường đi tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta. Theo đó, các hoạt động thủy sản phải thân thiện với môi trường, không để lại tồn dư chất ô nhiễm trong môi trường, không thải bỏ ra môi trường xung quanh chất thải thủy sản chưa qua xử lý; bảo toàn các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển, ven biển – nền tảng phát triển bền vững; mở rộng diện tích và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các bãi giống, bãi đẻ của thủy sản…

Bên cạnh đó, nghiêm cấm sử dụng các ngư cụ và hoá chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Thực hiện tốt Quyết định số 1481 về quản lý nghề cá theo hạn ngạch khai thác, Quyết định số 208 về chuyển đổi, tái cơ cấu đội tàu đánh cá, giảm cường lực khai thác hải sản… Phòng ngừa, ngăn chặn đánh cá bất hợp pháp IUU và nỗ lực thoát “thẻ vàng” của EC. Chú trọng phát triển nghề cá giải trí, chuyển đổi nghề cho ngư dân, cải thiện sinh kế của ngư dân, tạo “lợi ích kép” thông qua kết hợp tạo nghề mới, như: Du lịch trải nghiệm nghề cá dựa vào cộng đồng, nghề dược liệu biển…Quản lý tổng hợp nghề cá theo không gian và cách tiếp cận liên ngành nhằm giảm thiểu xung đột trong sử dụng không gian biển. Ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ mới trong quản lý nghề cá, bảo quản sau thu hoạch thủy sản, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh vùng nuôi thủy sản.

PV: Ông từng chia sẻ, để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh”, Chính phủ cần có những chính sách đặc thù. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này, trong đó có các chính sách dành cho nuôi biển, thưa ông?

Chuyển dịch kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh” trở thành xu thế trong quá trình chuyển đổi xanh trên thế giới và ở nước ta. Kinh tế biển “nâu” ưu tiên phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau, không hoặc chưa quan tâm đến an toàn sinh thái, môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng của kinh tế biển “nâu” dựa vào khai thác nguồn tài nguyên biển sẵn có, đồng nghĩa với khai thác và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, dẫn đến những hệ lụy về môi trường và xã hội. Kinh tế biển “xanh” lấy môi trường làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền kinh tế “nâu” và tăng cường phúc lợi xã hội.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu phải tăng diện tích vùng biển được bảo tồn, phát triển kinh tế biển “xanh”, phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng của Việt Nam, phát triển năng lượng biển tái tạo và đẩy mạnh nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 36, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển bền vững kinh tế biển nói chung và nghề cá bền vững nói riêng. Trong đó, cần sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn trong triển khai đồng quản lý nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản (2017), tăng cường phối hợp giữa các ngành để gỡ bỏ rào cản về thủ tục hành chính liên quan tới cấp phép cho nuôi biển.

PV: Trong Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nuôi biển được định hướng phát triển ngành hàng nuôi trồng gắn công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Ông có thể chia sẻ đôi nét về vai trò và những thành tựu của công nghệ nuôi biển hiện nay?

Tiềm năng và diện tích có thể nuôi biển ở nước ta rất lớn. Nuôi biển cùng với nuôi trồng thủy sản nói chung không chỉ góp phần giảm áp lực cho khai thác thủy sản trên biển, mà còn kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho kinh tế thủy sản nói riêng và kinh tế biển nói chung. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xác định nuôi biển phát triển theo hướng của một ngành hàng nuôi thủy sản gắn với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Nuôi biển đã tìm thấy chỗ đứng trên thị trường thủy sản quốc tế do sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm nuôi sạch…

Một số mô hình nuôi biển công nghệ cao đã thành công trên thế giới ở Na Uy, Mỹ, Trung Quốc… Việt Nam có Công ty Australis nuôi cá chẽm công nghệ cao ở vịnh Vân Phong. Hoạt động nuôi biển còn bắt gặp ở Quảng Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang và vịnh Cam Ranh… Mức độ tự động hóa trong quá trình nuôi biển này rất cao nên giảm thiểu được rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Quy trình nuôi biển khép kín từ khâu tạo giống ra đến lồng nuôi và thị trường tiêu thụ; kiểm soát tự động đối với phổ thức ăn và mức độ tiêu thụ của thủy sản nuôi nên lượng tồn dư thức ăn trong khu vực nuôi là không đáng kể. Mô hình nuôi biển này đòi hỏi suất đầu tư cao, công nghệ cao và kỹ năng quản trị tốt. Cho nên, để nhân rộng mô hình này cần phải có lộ trình thích hợp, có sự vào cuộc của doanh nghiệp và phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

PV: Mặc dù là ngành hàng có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng phát triển nuôi biển vẫn còn vấp phải những trở ngại không nhỏ. Theo ông, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào để tháo bỏ “nút thắt” đó, giúp ngành nuôi biển cất cánh?

Đúng là cơ hội cho phát triển nuôi biển ở nước ta thì lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, nhất là khi người nuôi vẫn đang làm ăn nhỏ, thiếu quy hoạch, đầu tư quy mô nhỏ, năng lực quản lý và hiểu biết kỹ thuật nuôi còn rất hạn chế. Cho nên, nuôi biển vẫn còn vấp phải các “nút thắt”, như: Quy hoạch sử dụng biển chưa được phê duyệt, tiêu chuẩn cho một vùng nuôi biển và quy chuẩn kỹ thuật nuôi thủy sản công nghệ cao còn thiếu, nguồn vốn đầu tư, thị trường cho đầu ra, nguồn nhân lực và mô hình quản trị khu nuôi biển…

Để tháo gỡ những “nút thắt”, biến thách thức thành cơ hội thì cần phải giải quyết đồng bộ các giải pháp. Trước hết, phải có quy hoạch không gian biển quốc gia được phê duyệt, địa phương chủ động phân vùng chức năng biển và bố trí không gian cho nuôi biển. Thứ hai, phải sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho một vùng nuôi biển sau khi cấp phép giao khu vực biển (vị trí vùng nuôi biển, mật độ lồng trong một vùng, mật độ con nuôi trong một lồng, chủng loại và lượng thức ăn, quy trình nuôi). Thứ ba, tiến hành thử nghiệm mô hình quản trị công tư đối với vùng nuôi theo cách tiếp cận đồng quản lý. Thứ tư, xác định lộ trình phát triển nuôi biển để người dân thích ứng dần với công nghệ nuôi mới ở quy mô lớn, xa bờ hơn. Thứ năm, có cơ chế, chính sách đặc thù về huy động vốn cho nuôi biển, kể cả hỗ trợ ban đầu cho người nuôi biển. Thứ sáu, triển khai công tác khuyến ngư để giúp người nuôi và cán bộ quản lý nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng nuôi biển. Thứ bảy, xúc tiến thương mại và mở thị trường cho xuất khẩu mặt hàng từ nuôi biển theo chuỗi cung ứng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!