Hằng năm, con cá tra tại ĐBSCL đã giúp mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ đứng hàng đầu.
Nhưng, đằng sau vinh quang này, nhiều nông dân nuôi cá tra chẳng những không được hưởng lợi ích tương xứng mà còn phải trả giá bằng sự “tán gia, bại sản”. Nông dân cho rằng, phần lớn hậu quả mà họ phải gánh là hệ quả của sự thiếu sòng phẳng từ phía doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và chế biến làm ăn không chân chính…
Bán cá tra dưới mức giá thành sản xuất
Những ngày gần đây, nông dân nuôi cá tra tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh thành ĐBSCL như “đứng, ngồi trên đống lửa” khi giá cá tra liên tục có chiều hướng giảm và xuống dưới mức giá thành sản xuất. Hiện cá tra nguyên liệu xuất khẩu (loại cá thịt trắng, đẹp) chỉ còn ở mức 21.500-22.000 đồng/kg. Xuất ao bán cá vào thời điểm này, nông dân nuôi cá tra đang bị lỗ ít nhất từ 1.500-2.500 đồng/kg do giá thành nuôi cá tra thương phẩm đang ở mức từ 23.500- 24.500 đồng/kg. Tuy nhiên, không bán, neo cá lại “càng chết” với các khoản tiền thức ăn thêm, tiền lãi vốn vay cũng tăng và sợ nhất là cá bị quá cỡ, doanh nghiệp chê không mua hoặc mua với giá rẻ tệ. Các năm trước, giá cá tra nguyên liệu thường bắt đầu tăng dần từ tháng 11 cho đến Tết Dương lịch và kéo dài đến Tết Nguyên đán, thậm chí qua tháng Giêng. Năm nay, đã vào tháng 12 nhưng giá cá tra vẫn ở mức thấp. Rất đáng lo ngại cho người nuôi! Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu nhìn nhận, giá cá tra nguyên liệu không thể tăng được do lượng cá tra tới lứa xuất bán nhiều. Trong khi đó, đầu ra các sản phẩm cá tra xuất khẩu không mạnh như các năm trước do năm nay tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ sản phẩm tại nhiều thị trường bị sụt giảm…
Thu hoạch cá tra tại ao nuôi của một hộ dân ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Nông dân phải bán cá tra nguyên liệu với mức giá dưới giá thành sản xuất đã thường xuyên xảy ra những năm qua. Không phải giá cá tra nguyên liệu chỉ bị sụt giảm nghiêm trọng khi đầu ra trong xuất khẩu gặp “vấn đề”, mà ngay cả thời điểm xuất khẩu tốt giá cũng giảm. Nguyên nhân chỉ vì doanh nghiệp bảo: Thiếu vốn, không có khả năng mua cá hoặc vì lượng cá nguyên liệu trong dân tới lứa xuất bán nhiều, doanh nghiệp không mua kịp!? Theo nhiều nông dân nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, thực tế có phần đúng như vậy. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây chỉ là cái cớ để doanh nghiệp “ép giá” mua cá của nông dân. Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bỏ vốn đầu tư mua, thuê đất để tự nuôi cá dẫn đến dễ bị “kẹt vốn” khi đầu ra có vấn đề. Doanh nghiệp cũng dễ quay lại ép giá thu mua cá tra của nông dân khi phải “ưu tiên” tiêu thụ cá tra do mình nuôi. Ông Lê Văn Chiến, một nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá tra ở phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho rằng: “Kinh tế khó khăn, đầu ra xuất khẩu cá tra gặp khó hơn các năm trước cũng là điều dễ hiểu. Song, theo tôi, giá cá tra ngày càng có dấu hiệu sụt giảm xuống dưới mức giá thành sản xuất là do có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong đầu ra xuất khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, nhất là việc đua nhau để giảm giá nhằm bán được hàng, dẫn đến làm lợi cho nước ngoài và gây thua thiệt cho nền sản xuất trong nước. Nếu tình trạng này không sớm được chấm dứt, tới đây chắc chắn sẽ có nhiều nông dân nuôi cá tra buộc phải treo ao, bỏ nghề”.
Nông dân chịu nhiều thua thiệt
Hằng năm, nhờ có 10 công đất sản xuất lúa và chiếc ghe 30 tấn thu mua, kinh doanh lúa gạo, gia đình ông Lê Thanh Hùng ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ có thu nhập và cuộc sống tương đối tốt. Nhưng, con cá tra đã khiến gia đình ông lâm cảnh nợ bạc tỉ, gia đình rơi vào bế tắc, hạnh phúc đổ vỡ khi người con dâu trong gia đình đã chán nản bỏ nhà ra đi. Không chỉ vậy, ông Hùng đã bị bệnh tai biến 2 năm nay. Các thành viên khác còn lại trong nhà ai cũng mất tinh thần làm ăn khi tài sản chẳng còn gì quý giá ngoài 10 công lúa trước đây giờ thành ao cá tra đang chờ kêu bán để trả bớt một phần nợ nần. Ông Lê Thanh Hùng nghẹn ngào nói: “Vỡ nợ là chuyện khó tránh khỏi khi bao nhiêu vốn liếng và vốn vay lên đến hàng tỉ đồng, gia đình tôi đổ hết vào ao cá, rồi trông chờ sự may rủi của đầu ra. May thì ít nhưng rủi ro luôn nhiều khi giá cả và chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi bất ổn. Không chỉ vậy, sản phẩm đầu ra lại luôn bị doanh nghiệp ép giá mỗi khi thấy thừa hàng hoặc đầu ra xuất khẩu có vấn đề. Đau lòng hơn hết là tình trạng “cò cá” nhảy vào làm tiền của nông dân. Nhiều lúc muốn bán được cá, gia đình tôi phải chi hàng chục triệu đồng cho “cò cá”. Nhưng bán hầm cá xong, ít nhất mỗi lần cũng trên 2 tỉ đồng vậy mà bị doanh nghiệp “ngâm” từ 3-7 tháng mới trả hết tiền. Doanh nghiệp có thể hưởng lợi hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng từ việc chậm trả tiền cá. Nhưng gia đình phải vay “nóng” tiền bên ngoài để trả nợ vay ngân hàng đã đến hạn. Cứ mỗi tỉ đồng tiền vay “nóng” phải trả lãi trên 10 triệu đồng/ngày, chỉ cần chịu lãi trong 3-4 ngày chờ trả nợ cũ, làm thủ tục vay mới vốn của ngân hàng, gia đình tôi tự nhiên cũng bị mất trắng 30-40 triệu đồng!”.
Trường hợp của ông Lê Thanh Hùng ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt không phải là cá biệt. Bởi, chỉ riêng tại phường Thuận An có nhiều người nuôi cá tra cũng lâm cảnh nợ nần và có người phải bỏ nhà tốn biệt xứ hoặc có những biểu hiện bất thường về thần kinh…Hiện nay, nhiều nông dân nuôi cá tra càng dễ bị rơi vào phá sản khi giá cá tra xuống dưới mức giá thành sản xuất. Thiếu vốn nhưng nông dân nuôi cá tra hầu như không thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Không ít doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu vẫn đã và đang tiếp tục thực hiện các chiêu trò ép giá và chiếm dụng vốn của nông dân bằng cách cố tình kéo dài thời gian trả tiền mua cá. Nông dân cũng đang đối mặt với tình trạng giá thành nuôi cá có xu hướng “đội lên từng ngày” do giá thức ăn chăn nuôi tăng và chất lượng chưa bảo đảm. Hiện, giá thức ăn cho cá tra ở mức từ 11.800-12.000 đồng/kg nhưng chỉ có một vài loại nông dân có thể tin tưởng vào chất lượng, giúp cá đạt tăng trọng 1 kg khi cho ăn từ 1,6-1,62 kg thức ăn. Ngoài ra, tỷ lệ cá bị hụt trong ao nuôi chỉ ở mức 10-15% trong các năm trước nay đã lên ở mức 30-50%, cho thấy chất lượng con giống và điều kiện nuôi đang có dấu hiệu bất ổn mới.
Hiện tại, 2 hầm cá tra với số lượng khoảng 250.000 con của ông Võ Văn Đệ ở khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt đã đạt trọng lượng khoảng 600g/con, gần tới ngày xuất bán. Ông cho biết: “Phải chi có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hay mướn nuôi gia công, cho hưởng lợi từ 500-1.000 đồng/kg cá nguyên liệu cũng đỡ. Tự nuôi mà giờ thấy giá cả và tình hình thu mua cá của doanh nghiệp như hiện nay tôi rất lo… Nhưng, không nuôi thì biết làm gì khi đất ruộng của tôi đều đã đào ao cá. Đợt thu hoạch cá trước vụ nuôi này, tôi bán cá được giá 23.800 đồng/kg. Nhưng tính ra không có lời vì bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn tới gần 5 tháng mới trả hết tiền. Coi như phá huề! Dù 2 bên có làm hợp đồng mua bán bằng giấy nhưng không có công chứng của Nhà nước nên bán cá xong doanh nghiệp không chịu trả tiền liền tôi chỉ biết ngày ngày đi năn nỉ họ”.
Từ những thực tế trên, để phát triển con cá tra bền vững, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước, các hiệp hội nghề cá và doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc đảm bảo lợi ích của nông dân nuôi cá tra và người lao động trong nghề cá nói chung. Đặc biệt, phải nhanh chóng chấn chỉnh lại hoạt động xuất khẩu và tổ chức lại sản xuất nhằm cân đối cung cầu thị trường, đảm bảo cho tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị cá tra đều có thể sống được với nghề…