Phát triển thương hiệu nuôi biển nhìn từ kinh nghiệm của Na Uy

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại cuộc họp “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia cho nuôi biển Việt Nam” diễn ra chiều ngày 05/6/2024, do Đại sứ quán Na Uy và Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp tổ chức, Cục trưởng Trần Đình Luân khẳng định Na Uy là động lực khởi nguồn cho nuôi biển Việt Nam.

Na Uy giúp Việt Nam hình thành ý tưởng nuôi biển

Chia sẻ tại cuộc họp diễn ra chiều 5/6, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, nhấn mạnh: Để xây dựng được thương hiệu cho con cá hồi như hiện nay, Na Uy đã trải qua quá trình tổ chức thành công ngành nuôi biển, từ nuôi nhỏ lẻ trở thành một ngành công nghiệp có thương hiệu. Hải sản Na Uy đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các quốc gia trên thế giới. Có thể nói, Na Uy là nơi, là động lực khởi nguồn cho nuôi biển Việt Nam.

“Na Uy là nước đã giúp Việt Nam hình thành ý tưởng về nuôi biển, từ đó có được Quyết định 1664 của Thủ tướng Chính phủ, một đề án phát triển nghề nuôi biển Việt Nam đã được ký ban hành. Trong giai đoạn mới, mong muốn phía Na Uy giúp ngành thủy sản Việt Nam xây dựng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ đó làm tiền đề hỗ trợ cho phát triển nuôi biển”, Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ thêm.

Cuộc họp “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia cho nuôi biển Việt Nam” do Đại sứ quán Na Uy và Cục Thủy sản phối hợp tổ chức. Ảnh: HT

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Đại sứ Na Uy bà Mette Møglestue cho biết: Chúng tôi đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững hơn và có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt là các mục tiêu của Việt Nam trong lĩnh vực này bao gồm giảm cường độ khai thác biển và tăng cường nuôi trồng thủy sản biển ở các khu vực phù hợp như đã nêu trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030. 

Cũng theo Phó Đại sứ Mette Møglestue, Chính phủ Na Uy ưu tiên cao cho nền kinh tế xanh với 70% giá trị xuất khẩu đến từ các hoạt động trên biển. Na Uy là quốc gia hàng đầu thế giới trong việc xây dựng ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nhìn từ Na Uy, Việt Nam đang ở vị thế tốt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác tiềm năng cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.

“Là các quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ một thương hiệu quốc gia mạnh, cùng với các yếu tố khác như chất lượng, giá trị dinh dưỡng, các thông lệ nuôi trồng và đánh bắt bền vững… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thủy hải sản. Tôi hy vọng câu chuyện Na Uy có thể hữu ích cho Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm của Na Uy trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia mạnh mẽ cho hải sản từ Việt Nam”, Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue nhấn mạnh.

Truyền thông bằng câu chuyện thật

Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng NTTS (Cục Thủy sản) cho biết: Hiện nay, NTTS của Việt Nam vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ít chuỗi liên kết sản xuất; chưa xây dựng và định vị được thương hiệu. Riêng về nuôi biển, năm 2023, sản lượng cá biển đạt 46.000 tấn, tôm hùm 3.800 tấn, nhuyễn thể 440.000 tấn, các loài khác là 300.000 tấn. Trong thời gian tới, định hướng của nuôi biển Việt Nam là bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái; Tạo sinh kế, việc làm cho cộng đồng ven biển; Tạo ra phân ngành kinh tế biển tổng hợp giá trị cao; Hài hòa lợi ích trong không gian biển; Tăng trưởng xanh và bền vững; Hình thành hệ sinh thái nuôi biển. Đồng thời xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…

Việt Nam mong muốn phía Na Uy hỗ trợ cho phát triển lĩnh vực nuôi biển. Ảnh: HT

Cũng theo ông Ngô Thế Anh, để làm được điều này, ngành hàng nuôi biển phải giải quyết được 5 nhiệm vụ đặt ra, đó là chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ đơn giá trị sang đa giá trị; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo dựng chuỗi giá trị nuôi biển; Tạo thương hiệu cho những dòng sản phẩm từ biển; Tổ chức lại ngành hàng nuôi biển; Đảm bảo sản xuất gắn với tiêu chuẩn thị trường.

Tại cuộc họp giữa Đại sứ quán Na Uy và Cục Thủy sản chiều 5/6, ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: Na Uy là quốc gia có giá trị xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, năm 2023 đạt 172 tỷ NOK, khối lượng xuất khẩu đạt 2,8 triệu tấn, có mặt tại 153 thị trường trên toàn cầu. Trong đó, cá hồi chiếm vị trí lớn nhất với hơn 71,3% tổng giá trị xuất khẩu. 

Ông Asbjørn Warvik Rørtveit cho biết, sứ mệnh của chúng tôi là gia tăng giá trị hải sản của Na Uy. Chúng tôi gia tăng nhu cầu và kiến thức về hải sản Na Uy đến với thị trường thông qua các lĩnh vực chuyên môn như thông tin và tiếp cận thị trường, quảng cáo – tiếp thị và truyền thông. “Hầu hết cá hồi của Na Uy được xuất khẩu, đây cũng là ngành xuất khẩu lớn của Na Uy. Để bán sản phẩm đi khắp nơi trên thế giới, “chúng tôi phải hiểu các thị trường khác nhau để xây dựng kênh phân phối”. 

Chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm cá hồi Na Uy tại các thị trường trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, ông Asbjørn Warvik Rørtveit đã nhấn mạnh “3 cốt lõi truyền thông mà Hội đồng Hải sản Na Uy sử dụng để quảng bá hình ảnh của hải sản Na Uy đến người tiêu dùng chính là Thiên nhiên, Con người và Phát triển bền vững”. 

Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh 3 cốt lõi truyền thông để quảng bá hình ảnh của hải sản Na Uy. Ảnh: HT

Cũng theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, điểm nhấn của hải sản Na Uy là hướng tới các sản phẩm có nguồn gốc. Truyền thông có vai trò rất quan trọng, mỗi người có thể kể câu chuyện của mình nhưng cần nhất quán trong thông điệp được truyền tải, để đảm bảo hàng nghìn năm nữa vẫn là câu chuyện thật.

Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Thông qua hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, Na Uy và Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho nhau để tiếp tục nâng cao giá trị thủy hải sản xuất khẩu trong đó có việc xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân: Những công nghệ và bài học kinh nghiệm phát triển thủy sản của Na Uy, trong đó có con cá hồi hoàn toàn giúp Việt Nam nỗ lực để xây dựng, khai thác tiềm năng và phát triển ngành công nghiệp nuôi biển trong thời gian tới. Chia sẻ này giúp chúng ta có thêm thông tin, kinh nghiệm để làm cho sản phẩm nuôi biển của Việt Nam có một vị trí cao như cá hồi của Na Uy, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm thủy sản của thế giới.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!