Trong thông báo mới đây của Bộ NN&PTNT về kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, để khai thác vụ cá Nam năm 2019 hiệu quả, các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải vào cuộc tích cực.
Triển khai có hiệu quả các biện pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản Việt Nam
Tăng cường công tác tổ chức
Theo đó, Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình an ninh trật tự trên biển để kịp thời chỉ đạo và đề xuất các giải pháp phù hợp, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất trên biển. Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện các quy định mới theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật về khai thác thủy sản như: giao hạn ngạch giấy phép khai thác; tổ chức quản lý tàu cá theo chiều dài; thực hiện xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá…
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Hướng dẫn triển khai, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tại địa phương. Nghiên cứu, tham mưu chính sách phát triển nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt lĩnh vực khai thác thủy sản.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác, quản lý tàu cá tại các địa phương. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đi khác thác hải sản viễn dương; tổ chức ngư dân đi khai thác theo tổ, đội; liên kết sản xuất theo chuỗi từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.
Ngoài ra, tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng tổn thất sau thu hoạch; tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh ATTP trong khai thác thủy sản, cảng cá để đề xuất xây dựng, điều chỉnh các chính sách, quy định hiện có cho phù hợp nhằm thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm khai thác; Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm và mở rộng thị trường thủy sản từ khai thác. Phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững có trách nhiệm.
Chú trọng xuất khẩu
Để đảm bảo công tác xuất khẩu thuận lợi, theo chỉ đạo của Thứ trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản; Chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào chế biến thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, góp phần phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quản bá thương hiệu sản phẩm thủy sản; hỗ trợ xây dựng và bảo vệ bản quyền, bảo vệ thương hiệu hàng hóa; khảo sát, nghiên cứu, đánh giá năng lực chế biến của các nhà máy chế biến trong toàn quốc; nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm để định hướng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở trong và ngoài nước.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với ngư dân tham gia chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản từ khai thác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng; đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở, khu chế biến.
Chia sẻ thông tin thị trường đến doanh nghiệp, đặc biệt tận dụng tối đa các thị trường Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp trong việc chọn lọc nguyên liệu hải sản nhập khẩu gia công, chế biến nâng cao giá trị gia tăng…
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần tiếp tục tham mưu cho Bộ NN&PTNT tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP tại cơ sở, khu chế biển thủy sản tập trung; kiểm tra việc duy trì tạo điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến thủy sản.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo về ATTP tại các thị trường nhằm giữ vững uy tín của thủy sản Việt Nam góp phần duy trì, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Box: Để đảm bảo phối hợp, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các địa phương ven biển cần tổ chức ngư dân khai thác trên biển theo tổ, đội; sản xuất theo chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch cụ hậu cần ngay trên biển; Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn triển khai phát triển nghề khai thác viễn dương tại địa phương. Cùng đó, tham mưu cho UBND tỉnh: Xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên vùng lộng và vùng ven bờ thuộc thẩm quyền quản lý…
Phạm Thu