So sánh với nhiều địa phương khác trong tỉnh Phú Thọ thì thủy sản không phải là thế mạnh của huyện Tân Sơn. Mặt khác, do tập quán sản xuất không có sự đầu tư chăm sóc nên năng suất không cao, năng suất thủy sản của huyện không cao, bình quân chỉ đạt xấp xỉ 1 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, chất lượng thủy sản của Tân Sơn được đánh giá khá cao, an toàn do được nuôi thả tự nhiên…
Toàn huyện Tân Sơn có 251ha mặt nước có thể khai thác để nuôi thả thủy sản. Đến nay, đã có 245ha được đưa vào sử dụng. Bà con ở đây chủ yếu nuôi thả các loại cá truyền thống như trôi, mè, trắm, chép, lai, vược… Hầu hết các ao, đầm nuôi thả thủy sản đều được người dân tận dụng sông, suối chắn lại tạo thành ao nuôi. Tân Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi thả một số loại cá có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cá nước lạnh do điều kiện thời tiết, địa hình phù hợp. Các xã như Xuân Sơn, Thu Ngạc, Thu Cúc, Minh Đài, Vinh Tiền, Kiệt Sơn… đều có thể tận dụng nguồn nước suối tự nhiên, nhiệt độ thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chưa xây dựng được một mô hình nào để đúc rút kinh nghiệm và cho các hộ có điều kiện, nhu cầu học tập.
Phát triển thủy sản ở Tân Sơn theo hướng hàng hóa còn thấp, chủ yếu chỉ dựa vào một số hộ nuôi có diện tích mặt nước lớn – Ông Trần Đình Bính chăm sóc hồ cá của gia đình.
Việc phát triển thủy sản ở Tân Sơn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích ao hồ vừa nhỏ, vừa manh mún, hầu hết diện tích ao nuôi của các hộ chỉ vài thước đến vài sào; tập quán, kỹ thuật nuôi lạc hậu, chủ yếu là nuôi thả tự nhiên theo lối quảng canh, chưa chú trọng theo hướng đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa; người dân chủ yếu nuôi phục vụ cuộc sống hàng ngày; giá cá giống cao, tại huyện lại chưa có điểm ương nuôi nên người dân phải đi xa mua giống hoặc mua của tư nhân nên chất lượng không đảm bảo; đầu tư vào nuôi thủy sản cần nguồn vốn lớn trong khi hầu hết bà con, nhất là đồng bào dân tộc đời sống còn rất nhiều khó khăn, không thể đầu tư; chính sách vay vốn phát triển sản xuất còn phức tạp… Theo ông Phan Minh Đức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc nâng cao năng suất thủy sản của Tân Sơn là chưa có kỹ sư chuyên về thủy sản, trong khi đây lại không phải chương trình kinh tế trọng điểm của huyện nên sự đầu tư vào lĩnh vực này khá nhỏ. Chúng tôi cũng rất mong ngành thủy sản nghiên cứu đầu tư xây dựng một số mô hình nuôi các loại cá nước lạnh, có giá trị kinh tế cao tại những nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp như Đèo Mương, Cọ Sơn (xã Thu Ngạc), khu vực vườn Quốc gia Xuân Sơn… Đồng thời Chi cục thủy sản có thể mở một số lớp tập huấn kỹ thuật cho những người có nhu cầu; xây dựng một trại ương nuôi con giống để cung cấp cho các hộ nuôi đảm bảo có nguồn cung ứng giống an toàn. Giải quyết tốt những vấn đề này có thể nâng được năng suất thủy sản của Tân Sơn lên gấp 2 đến 3 lần hiện nay.
Ông Trần Đình Bính, khu Đồng Gạo, xã Văn Luông tâm sự: Tôi đã tìm sang Yên Lập để học cách nuôi cá tầm nhưng không thỏa mãn lắm bởi chủ hộ bên đó cũng mới nuôi, chưa có kinh nghiệm. Mặt khác họ cũng dấu nghề nên không thể truyền hết cho mình, nhất là các biện pháp chăm sóc. Nuôi cá tầm có giá trị kinh tế rất cao nhưng điều kiện cũng phức tạp hơn nhiều so với các loại cá truyền thống. Tuy nhiên, qua sách báo tôi thấy điều kiện địa phương thích hợp để nuôi, khó khăn nhất hiện nay là kỹ thuật nuôi và nơi mua con giống đảm bảo.
Thời gian vừa qua, một số dự án thuộc chương trình 30a, phát triển nông thôn mới đã hỗ trợ trên 630 triệu đồng tiền con giống nhằm nâng cao năng suất thủy sản. Tuy nhiên, chủng loại con giống được đưa về vẫn chủ yếu là các loại cá truyền thống, chưa có các loại cá đặc sản theo nhu cầu của một bộ phận người nuôi. Trong thời gian tới, Tân Sơn sẽ tập trung vào một số giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, tập quán nuôi thủy sản như phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở một số lớp tập huấn về thủy sản; xây dựng một số mô hình có hiệu quả cao để làm tiền đề nhân ra diện rộng; xây dựng mô hình thí điểm nuôi thả cá nước lạnh; tăng cường phổ biến các chính sách hỗ trợ về thủy sản đến với người dân; tạo điều kiện cho người dân vay vốn để nuôi thủy sản; quản lý chặt việc đánh bắt tự nhiên…