Anh Tạ Văn Long ở khu 6, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông đang nuôi thả cá với tổng diện tích khoảng hơn 1ha tâm sự:
“Ở xã Dị Nậu có rất nhiều địa điểm để có thể phát triển thủy sản với diện tích lớn nhưng rất khó làm. Nguyên nhân chính là bà con không chịu đổi diện tích đất ruộng hoặc cho thuê. Tôi đang có ý định mở rộng diện tích nuôi cá nhưng xem ra còn rất lâu mới có thể đạt được ý định. Tôi cũng nghe có chủ trương dồn điền đổi thửa nhưng chưa thấy địa phương triển khai. Diện tích ao nuôi hiện nay gia đình tôi cũng phải vận động mãi mới dồn đổi được. Mà ngay cả những hộ không muốn đổi, tôi đặt vấn đề thuê lại với giá cao hơn thu nhập hàng năm trên diện tích đó cũng không xong”.
Dồn đổi ruộng đất ở những vùng thuận lợi cho phát triển thủy sản sẽ giúp người dân yên tâm đầu tư nuôi thả cá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy 1 vụ lúa/năm.
Cái khó trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản hiện nay không chỉ riêng ở Tam Nông mà ở rất nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang vướng mắc là diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp, manh mún. Việc dồn điền đổi thửa triển khai gần như không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn khá thấp. Việc dồn đổi ruộng để tiện canh tác đã khó, dồn đổi để nuôi thủy sản còn khó hơn. Trong tỉnh có khá nhiều nơi là đồng ruộng chiêm trũng, chỉ có thể cấy được 1 vụ, còn lại rất thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng tổng sản lượng thủy sản nuôi thả hàng năm chỉ ở mức trung bình. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhiều diện tích chiêm trũng vẫn bị bỏ hoang sau khi thu hoạch được một vụ lúa. Oái oăm ở chỗ, nhiều hộ mặc dù bỏ ruộng hoang nhưng vẫn không muốn cho người có nhu cầu thả cá thuê lại. Ông Nguyễn Xuân Trường ở xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê cho biết: “Nhiều người có ruộng nằm ở vùng chiêm trũng vẫn mang nặng tâm lý làm không được nhưng cho thuê thì tiếc nên cứ giữ ruộng bỏ không. Tôi cũng nhiều lần vận động họ cho thuê lại diện tích ruộng để thả cá, vụ lúa vẫn để cho họ làm nhưng không được. Có khi người này đồng ý cho thuê nhưng hộ liền kề lại không đồng ý. Thế là đành bỏ, không làm được. Giá như việc dồn điền, đổi thửa thực hiện tốt thì khá nhiều hộ nuôi cá, tôm như chúng tôi làm giàu chẳng khó khăn gì”.
Ông Nguyễn Kim Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu đánh giá: “Ở huyện Tam Nông thì các xã Dị Nậu, Thọ Văn có lợi thế rất lớn để phát triển thủy sản do có nhiều ao, hồ, đầm, đồng ruộng chiêm trũng. Thế nhưng chỉ trừ các hồ, đầm lớn chuyên canh thủy sản thì diện tích đồng 1 vụ lại không được tận dụng triệt để, thậm chí còn bỏ hoang khá nhiều. Tuy nhiên, những xã như chúng tôi lại không nằm trong diện bắt buộc dồn điền đổi thửa. Hiện những diện tích dồn đổi chủ yếu là tự phát, do nhân dân tự nguyện. Lãnh đạo xã cũng khuyến khích bà con nên dồn đổi để thuận tiện cho sản xuất nhưng thực tế cũng không được là bao”.
Việc dồn điền đổi thửa trong toàn tỉnh đã được thực hiện từ lâu nhưng trên thực tế vẫn gặp rất nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ. Nguyên nhân chủ yếu của việc khó dồn đổi chủ yếu nằm ở chỗ tâm lý của người nông dân vẫn muốn giữ mảnh ruộng mình đã quen làm, không muốn đổi sang mảnh khác, dù thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương ngay cả cán bộ, đảng viên cũng không mặn mà với việc dồn đổi nên không làm gương, tạo đà được cho nhân dân làm theo. Khác với dồn đổi ruộng đất để làm ruộng hoặc các loại cây trồng khác, dồn đổi để làm thủy sản có những khó khăn riêng. Để làm thủy sản đạt được hiệu quả kinh tế cao cần diện tích lớn, tối thiểu cũng phải hàng mẫu trở lên, trong khi đó hầu hết diện tích ruộng đất được chia cho nông dân chỉ nhỏ thì vài thước, lớn thì 2,3 sào. Nếu như muốn dồn đổi thì người có nhu cầu phải làm việc với rất nhiều chủ ruộng khác nhau, mỗi người một ý nên “tắc vẫn hoàn tắc”.
Việc dồn điền đổi thửa đã được triển khai trên địa bàn hàng chục năm nay, cũng có một số địa phương đạt được kết quả khả quan như xã Đỗ Sơn (huyện Thanh Ba), xã Thượng Nông (huyện Tam Nông)… Tuy nhiên, việc dồn đổi ở những địa phương này chủ yếu tập trung vào cho việc trồng lúa hoặc một số loại cây màu khác, những địa phương có thế mạnh về thủy sản lại chưa thành công. Vì vậy các cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu, đề ra các chính sách phù hợp với các địa phương có thế mạnh sản xuất thủy sản, khuyến khích các hộ dồn đổi, sang nhượng hoặc cho thuê lại ruộng để phát triển thủy sản.