Là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có 3 con sông lớn chảy qua cùng hệ thống sông, ngòi dày đặc, tạo nên diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, ruộng trũng khoảng 14 nghìn ha nên Phú Thọ có nhiều tiềm năng về phát triển thủy sản.
Bên cạnh đó, khu vực trung lưu 3 con sông lớn của tỉnh có khoảng 110 loài cá, trong đó có nhiều loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao như: Chiên, lăng, bỗng, anh vũ, dầm xanh, vền… Nhận thức về điều kiện, tiềm năng đầm hồ tự nhiên, đầm hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh về chính sách tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bổ sung, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản, khôi phục khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác quá mức cho các đầm hồ tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) thả cá tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa.
Được giao thực hiện chương trình tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua tổ chức các lớp tập huấn; cấp phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật kẻ vẽ panô, áp phích tuyên truyền; tiến hành thả 2,991 triệu con cá giống bao gồm các loại cá chính như: Lăng chấm, anh vũ, trắm cỏ, trắm đen, chép, trôi, mè trắng, mè hoa, vược. Tổng diện tích thả là 1.251 ha tại các đầm hồ: Ao Châu, Móng Hội, đầm Chì, Bến Thân (huyện Hạ Hòa); hồ Dộc Gạo, đầm Oai, hồ Ban (huyện Cẩm Khê); hồ Phương Thịnh, Đầm Lải (huyện Tam Nông); hồ Phượng Mao, Suối Rồng (huyện Thanh Thủy), các hồ Thượng Long, Rộc Giang, Suối Dân, đập Ao Sen (huyện Yên Lập); hồ Sận Hòa, Xuân Sơn (huyện Tân Sơn).
Tại Minh Côi (huyện Hạ Hòa) – một điểm sáng về tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng chí Hồ Kim Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm gần đây, địa phương phối hợp với Chi cục Thủy sản thực hiện có hiệu quả công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa bàn xã; không chỉ góp phần phục hồi, tăng giá trị nguồn lợi, sản lượng thủy sản mà còn nâng cao chất lượng khai thác thủy sản tự nhiên, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho một bộ phận dân cư sống nhờ vào hoạt động khai thác tự nhiên”.
Thời gian qua, việc thả cá tái tạo tại đầm Đào, xã Minh Côi đã được Chi cục thủy sản tiến hành với gần 101.000 con cá giống: Trắm đen, trắm cỏ, trôi, mè… Người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ và có trách nhiệm bảo vệ nguồn thủy sản này. Ông Trần Ngọc Tiến (khu 5, xã Minh Côi) cho biết: “Từ công tác tuyên truyền và thông qua các lớp tập huấn về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, chúng tôi hiểu đây là một chương trình của Nhà nước nhằm khôi phục, tái tạo nguồn lợi, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản. Do vậy, mỗi người dân địa phương chúng tôi nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên theo đúng quy định”.
Song song với việc thả cá tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các địa phương trong tỉnh, Chi cục thủy sản cũng đã tích cực tuyên truyền các văn bản của Nhà nước quy định về hoạt động thủy sản để cán bộ chính quyền địa phương, trưởng các khu dân cư, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý hồ, đầm và nhân dân sinh sống xung quanh địa điểm thực hiện thả cá tái tạo cũng như các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên hiểu và chấp hành.
Trong năm 2014, Chi cục thủy sản đã khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn lợi tại các hồ, đầm tự nhiên có diện tích mặt nước từ 20ha trở lên, xác định hồ, đầm cần thả và chủng loại giống thủy sản cần thả tái tạo. Trên cơ sở đó, Chi cục xây dựng và triển khai kế hoạch theo đúng mục đích, yêu cầu về tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động này, góp phần cân bằng sinh thái, ổn định quần xã cho các hồ đầm trên địa bàn tỉnh.