Tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển bền vững ngành thủy sản gắn với bảo vệ môi trường nước, góp phần thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Sản lượng tăng
Vài năm trở lại đây, tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều chính sách giúp ngư dân chuyển hướng từ khai thác thủy sản ven bờ sang đánh bắt xa bờ, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày bằng các chính sách tín dụng, hỗ trợ năng lực sản xuất. Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi đi đôi với nâng cao chất lượng giống, chủ động phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; gắn khai thác, nuôi trồng thủy sản với công nghiệp chế biến để tăng giá trị; đồng thời tìm kiếm đối tác liên doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên đầm Ô Loan – Ảnh: P.Nam
Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2011 đến nay, thông qua các chính sách tín dụng và hỗ trợ ngư dân của Chính Phủ, ngư dân Phú Yên đã đầu tư đóng mới 209 tàu công suất từ 90 đến 400 CV. Nhờ đó mà mấy năm gần đây, tuy số lượng tàu giảm từ 7.465 chiếc còn 7.002 chiếc, nhưng tổng công suất tăng từ 96.938 CV lên 115.046 CV. Năm 2012, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 49.600 tấn, tăng 4.400 tấn so năm 2011, trong đó cá ngừ đại dương đạt sản lượng 6.050 tấn, tăng 600 tấn.
Trong nuôi trồng thủy sản, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, tỉnh cũng đã khuyến khích ngư dân mở rộng nuôi các loài thủy sản khác như cá mú, cá bớp, hàu, rong câu… theo hướng phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2012, Phú Yên có 2.635ha mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ và gần 27.000 lồng nuôi thủy sản trên biển. Tuy xảy ra nhiều dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng nhờ mở rộng vùng nuôi nên sản lượng thủy sản vẫn đạt 8.000 tấn, trong đó tôm hùm 660 tấn (tăng 160 tấn); cá và thủy sản khác tăng từ 9 đến 75% so năm 2011 với tổng sản lượng 1.370 tấn.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tri Phương cho biết, giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 6,6%/năm. Ngành Nông nghiệp phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2011-2015, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân từ 7% trở lên. Thực tế cho thấy, năm 2012, tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh đạt hơn 3.650 tỉ đồng, tăng 17,3% so với năm 2011 và chiếm gần 37% giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 45 triệu USD, chiếm hơn 31% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Nuôi tôm hùm bằng lồng tại TX Sông Cầu – Ảnh: N.Quang
Tiếp tục tăng cường đầu tư, quy hoạch
Theo UBND tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển thủy sản trong thời gian đến là xây dựng hạ tầng nghề cá, mà trước mắt là các cảng cá Dân Phước (Sông Cầu) và Phú Lạc (Đông Hòa). Dự án nâng cấp cảng cá Dân Phước dự kiến triển khai thực hiện vào cuối năm 2013 với kinh phí khoảng 49 tỉ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo động lực phát triển nghề cá cho khu vực phía bắc của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng cá Phú Lạc để phát triển nghề cá cho khu vực phía nam với kinh phí khoảng 65 tỉ đồng, trong đó dành 10 tỉ đồng đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá theo phương châm xã hội hóa.
Cùng với việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa với hơn 150 hộ tham gia, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo xử lý dứt điểm 27 hợp tác xã (HTX) nghề cá đã ngưng hoạt động do làm ăn không hiệu quả. Các HTX nghề cá này được thành lập từ năm 1997 đến 1999, gần như không còn khả năng trả nợ vay khoảng 20 tỉ đồng. Để đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020. Trong đó, riêng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ đến năm 2020 sẽ tăng hơn 3.000ha, diện tích mặt nước biển đạt 950ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.
Theo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương có diện tích nuôi trồng lớn, khó khăn nhất trong nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay là giải quyết vấn đề môi trường còn yếu kém. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân tự phát thả nuôi thủy sản ồ ạt dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, trong khi đó một số cửa sông, cửa biển bị bồi lấp nặng, làm giảm khả năng trao đổi nước. Để giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, ngoài các giải pháp khơi thông cửa sông, cửa biển, UBND TX Sông Cầu đã quy hoạch chi tiết tạm thời 150ha mặt nước biển ở xã Xuân Thịnh, giao cho 40 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản của địa phương quản lý, sử dụng. Ngoài ra, địa phương này còn khảo sát, xác định hơn 600ha mặt nước biển ở xã Xuân Cảnh để đưa vào quy hoạch nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè. UBND huyện Tuy An cũng đã quy hoạch tạm thời 30ha vùng nuôi tôm hùm trên biển tại các xã An Chấn và An Hải.