T2, 06/07/2020 01:04

Phú Yên: Sẽ xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Chưa có đánh giá về bài viết

Để ngăn chặn tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tỉnh Phú Yên đã tổ chức cho các ngư dân ký cam kết. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để cần có những hành động quyết liệt và chế tài xử phạt nghiêm hơn.


Phú Yên hiện có gần 4.150 tàu cá, trong đó khoảng 1.170 tàu có công suất từ 90 CV

Khai thác hiệu quả

Phú Yên hiện có gần 4.150 tàu cá, trong đó khoảng 1.170 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, số tàu cá đủ điều kiện thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa khoảng 560 chiếc và chủ yếu hoạt động câu cá ngừ đại dương. Song song với việc phát triển kinh tế biển, Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngư dân về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp giáp về khai thác hải sản trên biển. Tỉnh Phú Yên còn triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi, từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên biển và tại các cảng cá trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.170 chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Sở NN&PTNT đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát Biển vùng 3 cùng chính quyền các địa phương ven biển tổ chức hơn 10 buổi với khoảng 470 ngư dân là chủ tàu cá tham dự để cung cấp thông tin về ranh giới biển, các quy định của các nước trong khu vực về khai thác thủy sản, cung cấp tài liệu cho ngư dân biết để không vi phạm vùng biển các nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 117 tổ, đội sản xuất trên biển với 883 tàu cá và 7.727 ngư dân tham gia… Ngư dân Trần Văn Xê, chủ tàu cá PY 90250 TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết, Tổ đội sản xuất trên biển mang tên Bạch Đằng (phường 6) có 19 tàu cá thành viên tham gia. Mục đích của tổ đội sản xuất là kịp thời giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn trên biển, hỗ trợ nhau để khai thác có hiệu quả, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời nhắc nhở nhau không xâm phạm ngư trường các nước bạn…

Mặc dù, đã được các ngành chức năng và địa phương tăng cường tuyên truyền về pháp luật, xử lý sai phạm và tổ chức ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cho nhiều chủ tàu cá, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngư dân Phú Yên bị nước ngoài bắt giữ. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ với 11 tàu cá và 111 ngư dân bị các nước Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines bắt giữ. Trong đó, từ năm 2010 – 2013 có 4 vụ với 4 tàu cá và 55 ngư dân; từ năm 2014-2016, không xảy ra trường hợp nào. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình tranh chấp trên biển Đông diễn biến phức tạp; một số ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển chồng lấn…

Tăng cường công tác tuyên truyền đến từng ngư dân

Xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, khó khăn nhất hiện nay trong hoạt động khai thác hải sản xa bờ là thông tin về tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ chủ yếu do chính ngư dân và gia đình báo cáo cơ quan chức năng, nên quá trình xử lý thường chậm và bị động, không xác định chính xác kinh độ, vĩ độ, gây khó khăn trong công tác đấu tranh ngoại giao. Còn nhiều thuyền trưởng, máy trưởng và lao động trên tàu cá khai thác hải sản xa bờ chưa được đào tạo bài bản, mà chủ yếu là kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất trên biển, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao.

Ngư dân Trần Văn Xê chia sẻ, hầu hết các thuyền trưởng và chủ tàu cá khai thác xa bờ đều nêu cao ý thức chấp hành tốt các nội dung theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuyền trưởng có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, cố tình vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản bất hợp pháp. Tỉnh cần xử lý nghiêm đối với các thuyền trưởng, chủ tàu cố tình vi phạm ngư trường các nước như cấm khai thác xa bờ, không thực hiện hỗ trợ các chế độ của Nhà nước. Tuy nhiên, tỉnh và trung ương cần xem xét các trường hợp tàu cá của ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng bị nước ngoài bắt giữ và phải kiên quyết đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân…      Ngư dân Trần Kim Hoa ở phường 6 thì cho rằng, việc các thuyền trưởng đưa tàu sang vùng biển nước ngoài không chỉ ảnh hưởng đến chủ tàu mà còn gây thiệt hại đến ngư dân của tỉnh và cả nước. Nếu cứ vi phạm mà bị các tổ chức quốc tế cấm bán thủy sản thì thiệt hại vô cùng lớn. Việc khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ gây hậu quả về kinh tế mà ngư dân có thể bị bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, thậm chí là đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Vì vậy, mỗi chủ tàu cần tuyên truyền nâng cao ý thức cho thuyền trưởng và các thuyền viên là rất quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo, thông qua các nghiệp đoàn nghề cá, các sở, ngành và địa phương liên quan cần tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để nâng cao ý thức của ngư dân và các doanh nghiệp trong việc chấp hành các chính sách, pháp luật về khai thác, chế biến và tiêu thụ hải sản. Tuy nhiên điều này là chưa đủ, sắp tới tỉnh sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá và ngư dân Phú Yên vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Phú Yên sẽ tăng cường giám sát các tàu cá hoạt động xa bờ, các vùng biển xa thông qua hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh, hệ thống giám sát theo dự án Movimar và các hệ thống khác. Thứ hai là đối với các tàu cá vi phạm sẽ xem xét lại các chính sách bảo hiểm tàu cá cũng như vay vốn ngân hàng. Thứ ba Phú Yên sẽ kiên quyết không hỗ trợ các chính sách của Nhà nước cho những chủ tàu đánh bắt xa bờ bất hợp pháp và xứ lý nghiêm bằng các hình thức như cấm chuyển nhượng con tàu vi phạm, cấm ra khơi đối với các thuyền trưởng, chủ tàu vi phạm. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến từng ngư dân biết việc vi phạm vùng biển các nước sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, gây thiệt hại về kinh tế, tính mạng đối với bà con ngư dân…

>> Trong năm 2017, giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh Phú Yên đạt khoảng 5.827 tỷ đồng, tăng 6,9% so năm 2016 và chiếm tỷ trọng 35,8% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trong tỉnh. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, Phú Yên đã có 19 tàu cá được đóng mới; trong đó 4 tàu vỏ gỗ, 7 tàu vỏ composite và 8 tàu vỏ thép. Đến nay, nghị định này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản Phú Yên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản phát triển bền vững.

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!