Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đoàn đi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 67 tại thị xã Ba Đồn và UBND phường Quảng Phúc (địa phương có số lượng ngư dân tham gia thực hiện Nghị định 67 đông).
Trong quá trình triển khai, thị xã Ba Đồn đã thẩm định được 13 hồ sơ, trong đó 1 hồ sơ đăng ký tàu dịch vụ vỏ thép và 12 hồ sơ đăng ký tàu khai thác vỏ gỗ; đã trình UBND tỉnh danh sách 12 đối tượng đăng ký tàu khai thác hải sản, riêng trường hợp đăng ký tàu dịch vụ vỏ thép, đang đề nghị hướng dẫn chủ tàu bổ sung chi tiết phương án sản xuất kinh doanh.
Ngư dân Quảng Bình khai thác xa bờ – Ảnh: Xuân Trường
Tại phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), từ đầu năm đến nay, phường đã đăng ký đóng mới 1 tàu vỏ thép; 1 tàu dịch vụ, thẩm định 8 tàu đăng ký chuyển đổi nghề; phường có 2 cơ sở đủ điều kiện tham gia đóng mới tàu; 82 tàu tham gia bảo hiểm tàu cá; thành lập thêm 5 tổ đoàn kết đưa số thành viên tham gia là 27 tàu, nâng tổng số tổ đoàn kết của địa phương thành 40 tổ và 6 tổ hợp tác…
Đại diện thị xã Ba Đồn, phường Quảng Phúc và ngư dân đã kiến nghị về việc tháo gỡ khó khăn như: các ngân hàng thương mại xem xét cho phép giải ngân hợp đồng (với ngư dân) để mua những trang thiết bị khai thác đối với đóng tàu vỏ gỗ; tỉnh chưa đầu tư cơ sở sửa chữa tàu vỏ thép nên ngư dân lo ngại khi đầu tư loại tàu này…
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 67, nhấn mạnh hiệu quả của tàu vỏ thép; nâng cao vai trò, vị trí của tổ thẩm định hồ sơ; các ngân hàng thương mại tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân trong việc vay vốn, giải ngân; chú trọng đến khâu tư vấn, thiết kế tàu cá…