(TSVN) – Với dân số gần 99 triệu người, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao ở châu Á. Nguyên nhân do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong NTTS và cộng đồng. Hơn khi nào, vấn đề kiểm soát việc sử dụng kháng sinh cũng như chấn chỉnh việc buôn bán, sử dụng kháng sinh cấm trong nhiều lĩnh vực nói chung và NTTS nói riêng là hết sức cấp bách.
Trong Hội thảo “Kháng kháng sinh: cơ hội và thách thức”, do Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) phối hợp cùng MSD Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, vừa qua; các diễn giả cho biết, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong NTTS, chăn nuôi và trong cộng đồng; sử dụng kháng sinh không đúng đơn khiến vấn đề kháng kháng sinh ngày càng phức tạp. Năm 2013, Bộ Y tế đã kết hợp với Bộ NN&PTNT đưa ra Chương trình hành động quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh. Chương trình kêu gọi sự hợp tác trong các lĩnh vực y tế, chăn nuôi thủy, hải sản và thú y, cùng hành động để sử dụng kháng sinh hợp lý và dần cải thiện tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh.
Ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ và môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từng chia sẻ, hiện nay, việc sử dụng chưa hợp lý thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, bán thuốc kháng sinh không theo đơn hay trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không được giám sát về chuyên môn là những nguyên nhân chính dẫn đến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng. Nếu không sử dụng có trách nhiệm, thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATTP, sức khỏe con người và môi trường.
Sử dụng kháng sinh làm giảm chất lượng tôm. Ảnh: ST
Hướng tới tuần lễ Nhận thức về kháng sinh trên thế giới (18 – 24/11/2022) với chủ đề “Cùng nhau ngăn ngừa kháng kháng sinh”, TS Phạm Đức Phúc, Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững kêu gọi tất cả các bên cùng nhau sử dụng kháng sinh một cách thận trọng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, hợp tác cùng nhau thông qua cách tiếp cận Một Sức khỏe để hướng tới sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trên toàn cầu.
Ngày 9/11, Bộ NN&PTNT có Công văn số 7499/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trong NTTS.
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cửa hàng buôn bán kháng sinh cấm sử dụng trong NTTS, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc thú y giả, thuốc kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn thuốc thú y. Việc buôn bán thuốc thú y thủy sản qua trực tuyến, qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, chưa được quản lý, không bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí, người bán không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề thú y, không có trang thiết bị, không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc theo quy định, thuốc thú y được gửi, vận chuyển theo các phương tiện giao thông công cộng, qua người giao hàng, đến tận vùng nuôi, cơ sở nuôi. Đặc biệt, là việc buôn bán thuốc thú y không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu và bán nguyên liệu kháng sinh cho người dân sử dụng.
Cùng đó, tình trạng nhân viên tiếp thị đến vùng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản để quảng cáo, tư vấn không đúng với công dụng, cách sử dụng của sản phẩm và bán trực tiếp thuốc thú y thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam cho người nuôi. Cơ sở sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng, trị bệnh (trái với quy định hiện hành); sử dụng thuốc cấm, đặc biệt mua các loại thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh với liều lượng tùy tiện; sử dụng thuốc sai mục đích, pha trộn kháng sinh vào thức ăn thủy sản để phòng bệnh còn phổ biến; không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc.
Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phát hiện nhiều mẫu thủy sản có tồn dư kháng sinh cấm sử dụng như: Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin và Chloramphenicol. Những vi phạm quy định nêu trên gây mất ATTP, gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Để chấm dứt ngay tình trạng vi phạm nêu trên, cũng như tăng cường hiệu quả trong quản lý thuốc thú y, giảm thiểu nguy cơ gây tồn dư kháng sinh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không ảnh hưởng xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là kháng sinh theo đúng quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi, thủy sản.
Đồng thời, khẩn trương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong NTTS. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong NTTS; tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy và xử lý các hành vi vi phạm hoặc kiến nghị nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự; tổ chức kiểm tra việc sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh tại các cơ sở NTTS, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định. Các cơ quan chức năng của địa phương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, ghi sai nhãn mác, ghi sai công dụng, bán và sử dụng nguyên liệu kháng sinh trong NTTS.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán bất hợp pháp thuốc thú y trên mạng xã hội, qua hình thức trực tuyến; các trường hợp vi phạm quy định về tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường thủy sản tại các vùng nuôi, cơ sở nuôi. Cơ quan thú y, thủy sản tăng cường quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi; hướng dẫn người nuôi các quy trình nuôi an toàn dịch bệnh; không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong NTTS. Cùng với đó, thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, trách nhiệm trong buôn bán, sử dụng thuốc thú y có nguồn gốc rõ ràng, được phép lưu hành tại Việt Nam; tác hại của việc sử dụng không theo quy định thuốc thú y thủy sản, thuốc y tế, thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục; chỉ sử dụng thuốc thú y đã được phép lưu hành và tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo quy định.
Hải Lý