Quản lý đàn bố mẹ trong sản xuất cá giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là nội dung chính của Hội thảo do Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ (USSEC) tổ chức vào sáng 6/8 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực di truyền chọn giống trong nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Cá tra và cá rô phi là 2 đối tượng nuôi chủ lực của thủy sản Việt Nam. Cá tra là một trong 3 mặt hàng mũi nhọn của ngành thủy sản nước ta, có tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần nâng cao giá trị của ngành dịch vụ xuất nhập khẩu. Trong khi đó, rô phi là loài cá nuôi quan trọng thứ 2 trên thế giới, sau cá chép. GS.TS Zubaida Basioo, Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) cho biết: Thị trường cá rô phi toàn cầu hiện nay trị giá khoảng 7,9 tỷ USD và dự báo sẽ lên đến 9,2 tỷ USD vào năm 2027. Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất cá rô phi hàng đầu. Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan nằm trong số 10 quốc gia sản xuất hàng đầu. 

Toàn cảnh Hội thảo

“Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và có thị trường rộng khắp thế giới, ngành công nghiệp nuôi cá rô phi sẽ tiếp tục mở rộng đáng kể trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm khi dân số thế giới ngày càng tăng. Và Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh phát triển loài này”, GS.TS Zubaida Basioo nói thêm. 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, chất lượng giống thủy sản nói chung, giống cá nói riêng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả NTTS. Trong đó, để nâng cao chất lượng đàn cá giống, việc quản lý đàn cá bố mẹ có vai trò rất quan trọng. Chất lượng đàn bố mẹ tốt là yếu tố tiền đề để có được đàn cá giống tốt. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia về lĩnh vực di truyền, chọn giống chia sẻ thông tin về quản lý đàn cá bố mẹ, là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà sản xuất trao đổi, thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng cá giống, giảm sự phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, giảm thiểu sự tác động đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, hướng đến sự phát triển NTTS bền vững.

TS Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Còn theo GS.TS Zubaida Basioo, những năm qua, tốc độ NTTS tăng trưởng nhanh, chiếm hơn 1/2 lượng cá tiêu thụ trên thế giới. Trong đó, cá rô phi là một trong những nhóm loài NTTS quan trọng nhất trên thế giới. Thông qua chọn lọc nhân tạo và các phương pháp di truyền, người ta có thể tạo ra những loài, dòng nuôi mới có phẩm chất vượt trội để đưa vào sản xuất. Trong đó, cá rô phi dòng GIFT đã được chứng minh có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, qua nhiều thế hệ, chất lượng con giống thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, đó là sinh sản cận huyết và lai tạo giống. Cận huyết thường dẫn tới suy thoái như giảm sinh trưởng, sức sinh sản và sức đề kháng. Do đó, để nâng cao chất lượng cá giống, việc quản lý đàn bố mẹ cần được quan tâm nhiều hơn. Các doanh nghiệp cần lưu trữ thông tin cá bố mẹ để quản lý theo hệ gen, tính toán số lượng cá đực cái nhằm lựa chọn quy mô quần thể phù hợp với điều kiện của cơ sở. Để tránh ảnh hưởng cận huyết, các cơ sở sản xuất giống nên thường xuyên trao đổi đàn cá hậu bị với các trung tâm giống hoặc các cơ sở khác, chọn ngẫu nhiên từ đàn cá hậu bị để tạo đàn cá bố mẹ và duy trì số lượng đàn cá bố mẹ tối thiểu là 50 cặp. Tùy thuộc vào từng loài nuôi, vòng đời của chúng để quyết định thời gian thay hoặc bổ sung đàn bố mẹ. Đối với người nuôi, cần tuân thủ theo khuyến cáo của đơn vị, cơ quan nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật quản lý thích hợp.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

PGS TS. Dương Thùy Yên, Đại học Cần Thơ cho biết, trong sản xuất giống cá tra, 2 yếu tố di truyền là trôi dạt di truyền/biến đổi di truyền ngẫu nhiên và lai cận huyết đã làm giảm đa dạng di truyền, giảm chất lượng di truyền của cá giống. Từ đó dẫn đến con giống giảm tăng trưởng, tỷ lệ chết cao, mẫn cảm với bệnh, nhạy cảm với sự thay đổi môi trường. Theo nghiên cứu, hiện tượng cận huyết thường xảy ra ở những trang trại không bổ sung đàn cá bố mẹ. Do đó, để hạn chế tối đa cận huyết cho sản xuất cá thương phẩm cần tăng số lượng cá sinh sản. Áp dụng phương pháp chọn lọc gia đình hoặc chọn lọc cá thể. Nếu không trao đổi/bổ sung đàn cá khác thì cần xem tăng thời gian sử dụng đàn cá bố mẹ để giảm số thế hệ gia hóa trong trại giống. 

>> Để cá giống đạt chất lượng tốt, ngoài quản lý tốt chất lượng đàn cá bó mẹ, các cơ sở sản xuất cần kiểm soát dịch bệnh, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và cuối cùng là quản lý tốt môi trường.

Hồng Thắm – Kim Tiến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!