Quản lý rủi ro về chất lượng sản phẩm cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong chuỗi sản xuất và kinh doanh cá tra, quá trình quản lý rủi ro về chất lượng sản phẩm đã và đang được nhiều cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ quan tâm, thông qua nhiều quy định. Quá trình này cũng được các doanh nghiệp, người nuôi nỗ lực thực hiện và ba nhà khoa học ở Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ vừa có nghiên cứu.

Thuận lợi

Các trang trại nuôi và nhà máy chế biến cá tra đáp ứng và đạt được tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP (phi chuẩn mực) và VietGAP. Trong nuôi, khi đạt các tiêu chuẩn chứng nhận thì việc sử dụng thuốc và hóa chất giảm. Nuôi một vụ với một ha, khi nuôi thông thường chưa đạt tiêu chuẩn phải sử dụng thuốc và hóa chất đến 156 triệu đồng, còn nuôi tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ tốn 129 triệu và nuôi ASC là 126 triệu. Bên cạnh, sử dụng nhiên liệu cũng giảm, ở các trang trại đạt tiêu chuẩn là 13,5 triệu đồng, còn chưa đạt là 24,9 triệu.

quản lý rủi ro về chất lượng sản phẩm cá tra

Khoa Thủy sản của trường ĐH Cần Thơ thí điểm nuôi cá tra tuần hoàn trong bể xi măng 

Lượng nước sử dụng trong các trang trại đạt tiêu chuẩn cũng giảm, với ASC sử dụng 27,5 m3/tấn cá, với GlobalGAP 14,7 m3/tấn cá, còn trang trại thông thường chưa đạt chuẩn là 4.607 m3/tấn cá. Việc tiết kiệm nước này có ý nghĩa rất lớn trong tình hình biến đổi khí hậu, ĐBSCL không còn dồi dào nước mà đã xảy ra thiên tai hạn hán như năm nay.

 

Khó khăn

Khi thực hiện các tiêu chuẩn ASC, BAP và GlobalGAP, doanh nghiệp tốn thêm chi phí không nhỏ. Nuôi một vụ với một ha: Chi phí phục hồi môi trường và xã hội khoảng 3,55 triệu đồng. Còn chi phí lớn hơn là thuê tư vấn đánh giá tác động xã hội, môi trường và phí thực hiện, đánh giá chứng nhận cũng như duy trì giá trị của các tiêu chuẩn; chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất: tốn thêm 15,6 triệu đồng với tiêu chuẩn ASC, 14,1 triệu đồng với GlobalGAP.

Chi phí thức ăn cho cá đáp ứng các các yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng cũng tăng. Chẳng hạn, để đạt tiêu chuẩn ASC, chi phí thức ăn tăng thêm 5 – 7% do bột cá và dầu cá phải nhập từ những vùng được đánh giá là khai thác bền vững và được chứng nhận của Tổ chức Bột cá và Dầu cá quốc tế.

Ngoài ra, nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại ngày càng khắt khe hơn, trong khi thị trường cá nguyên liệu luôn biến động. Quy định về tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường cũng khác nhau. Còn những khó khăn khác khi phải tuân theo nhiều nhãn hiệu chứng nhận (nội dung gần giống nhau), với khả năng đồng công nhận rất thấp (do các hệ thống tập đoàn siêu thị, bán lẻ nắm quyền) làm tăng chi phí sản xuất. Mà sản phẩm cá tra có đạt hay không các loại chứng nhận này vẫn phải bắt buộc đạt các quy định chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Phát triển

Xu hướng chung, các quy định về chuẩn mực chưa dừng lại mà còn thay đổi theo hướng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, sức khỏe động vật nuôi và bảo vệ tốt hơn môi trường tự nhiên. Đối với thị trường trong nước, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cũng là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất.

Bên cạnh, phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, không thể tùy tiện xả thải nước và bùn ra kênh rạch, ao hồ. Tóm lại là người nuôi cá tra phải nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường và xã hội thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.

Ngành chức năng cũng phải có trách nhiệm trong kiểm soát các cơ sở mua bán thuốc, hóa chất và thức ăn cũng như việc sử dụng thuốc, hóa chất ở các cơ sở nuôi, chế biến. Các quy định chuẩn mực an toàn vệ sinh thực phẩm cần được minh bạch hơn trong quá trình hình thành và thực thi.

>> Ba nhà khoa học Võ Nam Sơn, Trần Minh Phú và Trường Hoàng Minh, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu phân tích quá trình quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng kỳ vọng cao hơn ở chất lượng sản phẩm cá tra. Bên cạnh, sự an toàn và bền vững của môi trường, kinh tế – xã hội, sự minh bạch trong quá trình sản xuất, sự đảm bảo quyền lợi của người nuôi và những người liên quan khác.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!