(TSVN) – Sò huyết là đối tượng rất thích hợp để nuôi kết hợp trong ao tôm. Đồng thời, đây cũng loài thủy sản có đầu ra ổn định nhất do người tiêu dùng nội địa rất yêu thích, bởi giàu giá trị dinh dưỡng và vị thơm ngon.
Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá. Chúng phân bố ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương từ Đông châu Phi đến Australia, Nhật Bản. Sò huyết có thể sống trong vùng nước đến độ sâu 20 m, nhưng chủ yếu tập trung ở vùng ven biển, trong vùng trung triều với đáy là bùn, độ mặn tương đối thấp và nhiệt độ tối ưu 20 – 300C. Thức ăn quan trọng của chúng là các mảnh vụn hữu cơ, thực vật phù du và tảo đơn bào. Sò huyết sinh sản từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau và thành thục sau hơn 1 – 2 năm. Tại Việt Nam, sò huyết phân bố từ Bắc đến Nam. Đã từ lâu sò huyết được coi như loài đặc sản biển có giá trị đối với sức khỏe con người. Ngoài cung cấp thị trường trong nước, chúng còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…
Sò huyết dễ nuôi, ít cần đầu tư thức ăn và chăm sóc nên được nhiều người dân ở ĐBSCL lựa chọn nuôi thả. Nuôi sò huyết có thể tận dụng khu vực đất bãi cạn trong ao để thả, nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường nước, ít tốn kém chi phí, chủ yếu chỉ tốn vốn đầu tư về con giống. Khi nuôi trong ao, đầm, sò huyết có thể thả ghép thêm tôm, cua hoặc cá để tăng sản lượng. Theo kinh nghiệm từ các hộ nuôi thành công thì nuôi sò huyết nên thả giống lớn (1.000 con/kg) và mật độ vừa phải (60 con/m2), đồng thời nuôi xen canh với loài khác thì sau 8 – 10 tháng nuôi sẽ cho tỷ lệ sống đạt 60 – 70%, năng suất 5 – 7 tấn/ha, lợi nhuận 120 – 150 triệu đồng/ha.
Có thể nói, ở nước ta, diện tích tiềm năng nuôi sò huyết rất lớn nhưng nghề nuôi chưa được phát triển do nhiều khó khăn, trong đó có con giống. Quy trình công nghệ sản xuất giống sò huyết mặc dù đã được nghiên cứu và bước đầu thành công từ năm 2001, mở ra triển vọng cho việc phát triển nghề nuôi; tuy nhiên, quy trình trước đây chưa ổn định, còn những tồn tại và hạn chế cần có thêm đầu tư nghiên cứu hoàn thiện. Vì vậy, hiện nguồn sò giống nhân tạo cung cấp cho nhu cầu nuôi chưa đủ, còn phụ thuộc chủ yếu từ tự nhiên. Mặt khác, con giống từ tự nhiên cũng có nhiều hạn chế như chất lượng và số lượng không đảm bảo, giảm dần theo thời gian, kích cỡ không đồng đều. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ sò huyết ngày càng tăng cao nên nguồn lợi sò ngày càng được ngư dân khai thác triệt để. Mặc dù, người dân tại các vùng cửa sông ven biển đã có kinh nghiệm trong việc nuôi sò huyết và các cơ quan chuyên ngành địa phương đã có nhiều nghiên cứu thử nghiệm nuôi sò huyết đã cho kết quả tốt, nhưng không thể ứng dụng và nhân rộng được vì thiếu con giống. Do đó, tại nhiều địa phương, các hộ dân đã phải nhập con giống từ các nơi khác; quá trình vận chuyển xa, tính chuyên biệt về môi trường nên con giống mang về nuôi không đạt yêu cầu.
Để mô hình nuôi sò huyết phát triển bền vững, hạn chế rủi ro, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần có được nguồn cung ứng sò giống uy tín, chất lượng, thích nghi tốt với điều kiện đặc thù của từng vùng. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi, thời gian qua, tại nhiều địa phương có nghề nuôi sò huyết phát triển mạnh như Cà Mau cũng đã thành lập các THT, HTX hoạt động theo hình thức đứng ra hợp đồng cung cấp giống cho các thành viên, nhờ đó chất lượng giống sẽ đồng đều và đảm bảo hơn so trước đây. Hoặc cũng đã có những HTX mua sò nhỏ về nuôi một thời gian rồi bán giống lại cho các hộ nuôi; phương pháp này vừa tiết kiệm được chi phí, đồng thời đảm bảo chất lượng giống phù hợp với độ mặn tại địa phương.
Điển hình như HTX Sò huyết giống Ðất Mới, chỉ sản xuất một vụ, bắt đầu thu mua sò giống cám thả xuống bãi vào khoảng tháng 2 âm lịch, đến tháng 9 bắt đầu xuất bán dần. Năm nay, giống sò được HTX mua ở Rạch Tàu, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển và tỉnh Bạc Liêu. Với khoảng 5 tỷ đồng tiền vốn, ước tính thu hoạch được từ 60 – 70 tấn sò giống, trừ tất cả chi phí, lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng. Được biết, từ khi HTX được thành lập đã giải quyết việc làm cho 20 lao động ổn định để canh giữ chòi, bình quân thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, khoảng 60 lao động có việc làm khi vào vụ thu hoạch giống, mỗi ngày có thể lên đến 1 triệu đồng/người từ việc cào sò giống thuê.
Bên cạnh đó, ngành chức năng địa phương cũng tăng cường công tác khảo sát các tuyến sông đủ điều kiện vèo sò huyết giống nhằm phù hợp với điều kiện tự nhiên, đề xuất quy hoạch nhằm tạo nguồn sò huyết giống chất lượng. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, giúp các hộ nuôi nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả.
Diệu Châu