Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là một hướng đi đúng đắn giúp nhiều người dân ở xã Quảng Thọ (Quảng Trạch) thoát nghèo. Tuy nhiên, do không thực hiện đúng quy trình về kỹ thuật nuôi trồng, không có các phương pháp xử lý nước thải gây ô nhiễm nặng, hình thức nuôi tôm theo kiểu phong trào đã dẫn đến việc tôm chết hàng loạt, nhiều hộ dân nuôi tôm vỡ nợ phải bỏ vào miền Nam làm thuê kiếm sống.
Là một xã thuần nông, nhưng nhờ học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương khác nên người dân xã Quảng Thọ mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi tôm trên cát.
Năm 2008, nhiều hộ gia đình đã thuê máy móc, nhân lực đào ao nuôi tôm trên diện tích rừng phi lao chạy dài gần 2km bờ biển của xã Quảng Thọ (thuộc 2 thôn Nhân Thọ và Thọ Đơn). Thấy được hiệu quả cao sau một, hai vụ nuôi, nhiều hộ gia đình đã xin thuê đất và mở rộng thêm nhiều ao nuôi tôm khác. Nhiều hộ gia đình có tới 3, 4 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi hồ với diện tích trên dưới 4.000m2. Số hồ nuôi tôm do vậy mà được mở rộng thêm lên đến gần 200 hồ. Theo thống kê của UBND xã Quảng Thọ thì diện tích nuôi trồng vào thời điểm này là hơn 20ha.
Anh Trần Đức Thịnh, một hộ nuôi tôm ở thôn Nhân Thọ nhớ lại: Do thấy hiệu quả cao nên anh đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để đào 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sau một, hai năm nuôi có hiệu quả thì các vụ sau tôm thường bị bệnh chết, thua lỗ nặng nên không thể có nguồn vốn tái đầu tư tiếp tục thả nuôi. Các đầm tôm giờ đây cũng bị nhiễm bệnh nặng. Vì thế đến đầu năm 2012, anh và các hộ gia đình xung quanh đành dứt ruột bỏ hoang các hồ tôm của mình.
Hàng trăm hồ nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân Quảng Thọ bị bỏ hoang.
Ông Lê Đình Lượng, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết “Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là một hướng đi đúng đắn giúp người dân Quảng Thọ vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Tuy nhiên, do người dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về nuôi tôm (như thiếu các bể lắng, bể xử lý nước thải, thiếu kỹ thuật về nuôi trồng..) và các hộ nuôi tôm đã không thực hiện theo quy hoạch của chính quyền địa phương đã mở rộng nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng một cách ồ ạt. Hệ lụy đáng tiếc sau này là hàng trăm hồ nuôi tôm đành phải bỏ hoang, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”.
Đi tìm nguyên nhân thất bại của việc nuôi tôm trên cát của người dân xã Quảng Thọ, chúng tôi được ông Trần Trực, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết: “Nguyên nhân tôm thẻ chân trắng của người dân Quảng Thọ bị chết là do ô nhiễm môi trường từ việc xả thải của chính các hồ tôm của người dân. Toàn bộ nguồn nước thải từ hồ tôm đổ ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, đến khi người nuôi tôm dẫn nước biển về hòa với nước ngọt vô tình dẫn luôn nguồn nước thải về hồ nuôi của mình. Vì thế đã làm cho các đầm tôm bị nhiễm bệnh nặng”.
Ông Trực còn cho biết thêm hiện nay Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch đang tiến hành khảo sát nhằm đưa ra các giải pháp giúp bà con nông dân có thể tiến hành quy trình khử bệnh cho các hồ nuôi tôm như phơi ao, trước mắt khuyến khích người dân tiến hành nuôi các loại cá chẻm, cá hồng, ốc hương nhằm giảm thiểu nguồn bệnh trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng.