(TSVN) – Theo ngành chức năng tỉnh Quảng Bình, thời tiết tháng 10 diễn biến bất thường với ảnh hưởng của các đợt mưa, bão, áp thấp nhiệt đới; do đó, người dân tận dụng những lúc thời tiết thuận lợi tăng cường bám biển ra khơi, các hộ nuôi trồng ở những địa bàn có khả năng ngập lũ đã gia cố bờ bao, tiếp tục chăm sóc và tích cực thu hoạch sản phẩm đủ kích cỡ thương phẩm.
Sản lượng thủy sản tháng 10 ước đạt 6.585,5 tấn, tăng 2,6%; 10 tháng ước đạt 84.070,3 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng khai thác ước thực hiện 73.325,2 tấn, tăng 4,8%; sản lượng nuôi trồng ước thực hiện 10.745,1 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ.
Về nuôi trồng, UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, tình hình dịch bệnh thủy sản trên địa bàn từ năm 2017 đến nay, đặc biệt, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, bất thường đã gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm.
Quảng Bình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU. Ảnh: CT
Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, năm nào cũng vậy người nuôi tôm ở tỉnh Quảng Bình đều chịu thiệt hại ít nhiều do dịch bệnh trên tôm nuôi; trong đó, đáng kể nhất là dịch bệnh các năm 2017, 2020 với tổng số diện tích ao hồ nuôi tôm bị bệnh lên đến hàng trăm ha, với gần 250 gia đình nuôi tôm bị thiệt hại nặng. Trong 10 tháng qua, dịch bệnh trên tôm nuôi cũng đã xảy ra tại 25 hộ, ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh với gần 9 ha.
Dịch trên tôm nuôi ở tỉnh Quảng Bình chủ yếu là các bệnh: đốm trắng, hoại tử gan tụy, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh vi bào tử trùng…
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, xảy ra thường xuyên có nhiều nguyên nhân, trong đó, đáng quan tâm là môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, thời tiết biến đổi phức tạp, trong khi cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm ở tỉnh chưa đảm bảo khiến dịch thủy sản dễ dàng bùng phát.
Cùng với đó, việc chấp hành các quy định về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản của người nuôi còn hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn hóa chất dập dịch. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế nên việc quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ dàng xảy ra.
Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài trên 116 km, có 5 cửa sông đổ ra biển với hơn 160 hồ chứa tự nhiên và nhân tạo được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Trong các năm gần đây, mỗi năm toàn tỉnh Quảng Bình thả nuôi khoảng trên 1.400 ha tôm với tổng sản lượng thu được đạt trên 4.000 tấn/năm đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân ở đây. Chính vì vậy, dù dịch bệnh trên tôm nuôi được đánh giá là diễn biến phức tạp và xảy ra thường xuyên nhưng người dân vẫn tăng cường phát triển diện tích nuôi trồng.
Về khai thác, cùng với việc động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, nuôi trồng thủy hải sản, các sở, ngành, địa phương Quảng Bình cũng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 tàu cá với khoảng 3.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 m trở lên, trong đó hơn 1.100 tàu từ 15 m trở lên tham gia sản xuất, khai thác thủy sản trên vùng biển xa và tăng cường sự hiện diện hợp pháp trên các vùng biển, góp phần tích cực tham gia khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Anh Vũ