Hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản thực sự đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Vì vậy, để đẩy mạnh và tạo nên được một diện mạo mới cho hoạt động chế biến thủy sản thì đòi hỏi cần có nhiều giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.
Cần có diện mạo mới
Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh ta, sản lượng thủy sản tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 70% tổng sản lượng khai thác, trong đó, lượng thực phẩm tươi sống dùng để ăn tươi và làm các sản phẩm khác là 12.000 tấn/năm, tiêu thụ ở các tỉnh trong khu vực khoảng 4.000 tấn/năm và khoảng gần 10.000 tấn/ năm phục vụ cho chế biến thành các mặt hàng khô, mặt hàng nước mắm và chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh. Đặc biệt, thủy sản khai thác dùng cho xuất khẩu khoảng 30%. Như vậy, trên 1/4 tổng sản lượng khai thác đã phục vụ đắc lực cho chế biến thủy sản và rõ ràng chế biến thủy sản đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của nghề biển tỉnh ta.
Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, với xu hướng phát triển hiện nay thì việc tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là các sản phẩm từ chế biến. Vì vậy, cần nhìn thẳng những khó khăn, và bất cập của hoạt động chế biến thủy sản hiện nay để xây dựng chính sách và đầu tư nhằm bảo đảm cho hoạt động chế biến phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả và hướng tới những mục tiêu cụ thể như: sản lượng chế biến, kim ngạch xuất khẩu… đi đôi với vấn đề giải quyết việc làm thường xuyên và tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Ưu tiên phát triển thị trường nội địa
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường nội địa dễ tính, không đòi hỏi khắt khe như thị trường xuất khẩu vì vậy phát triển thị trường ổn định, mang tính bền vững, lâu dài thì cần có chiến lược cụ thể. Vấn đề cấp thiết của chế biến thủy sản nội địa chính là cần có quy hoạch làng nghề truyền thống, đó là đầu tư xây dựng các khu chế biến tập trung đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đối với sản phẩm sản xuất theo lối truyền thống thì việc ưu tiên phát triển thị trường nội địa luôn là mục tiêu của các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Để tái hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu Phú Hải, cần sự đầu tư và hỗ trợ từ nhiều phía
Bên cạnh đó, phát triển mô hình liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm, tức là từ khai thác, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển cơ sở chế biến có quy mô. Khai thác lợi thế tiêu thụ sản phẩm chế biến nội địa bằng việc phát triển thị trường đến các vùng sâu, vùng xa. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án khả thi thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản truyền thống, ưu tiên cho hộ cơ sở vay.
Thành lập hội ngành nghề để giúp các hội viên trao đổi kinh nghiệm, giải quyết những khó khăn mang tính tổng thể trong quá trình sản xuất kinh doanh; đồng thời, hướng hội viên đến hoạt động chuyên nghiệp như đăng ký thương hiệu, nhãn mác, mã vạch… cho sản phẩm. Mặt khác, cần xây dựng website quảng bá, tham gia các chương trình tập huấn về VSATTP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, không những đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tăng cường sự hỗ trợ và đầu tư cho chế biến xuất khẩu
Để tháo gỡ khó khăn và tái đầu tư cho các doanh nghiệp trong tình trạng hiện nay thì nhất thiết cần phải có một giải pháp tổng thể.
Trước hết, tỉnh cần có quy hoạch hệ thống nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Đi đôi với quy hoạch là chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và các cơ sở dịch vụ nghề cá gồm: cơ sở đóng sửa chữa tàu cá, chợ cá, cảng cá và cơ sở chế biến thủy sản.
Hơn nữa, các ngành chức năng cần có một chính sách hợp lý về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có liên quan trực tiếp đến người sản xuất là nông dân. Bên cạnh đó, liên kết và thắt chặt mối quan hệ giữa nhà sản xuất- chế biến và ngư dân nhằm tránh tình trạng bấp bênh nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu thủy sản mỗi khi có biến động về giá, vừa bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh được tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại nhằm củng cố và phát triển các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia…
Hình thành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực có chất lượng cao, đồng thời bắt buộc nâng cao trình độ đối với cán bộ quản lý nhằm đủ điều kiện và khả năng làm chủ công nghệ sản xuất. Các doanh nghiệp chú trọng công tác chuyển giao khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến thủy sản bởi đây là vấn đề không thể thiếu trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Cuối cùng là việc kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng VSATTP đối với các đơn vị chế biến thủy sản cũng sẽ góp phần cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu mang tính bền vững hơn.
N. L
Theo Báo Quảng Bình