Quảng Bình: Tổng sản lượng thủy sản đạt 122.000 tấn vào năm 2030

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 122.000 tấn.

Kế hoạch nhằm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất đạt 3.064 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 đạt 2,4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 122.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 108.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản 14.000 tấn; tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản đạt 3,4%/năm, gồm khai thác thủy sản tăng 03 – 05%/năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 01 – 02%/năm.

tàu cá

Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 108.000 tấn

Để quyết tâm triển khai thực hiện các mục tiêu trên UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Về khai thác thủy sản: Phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản theo hạn ngạch giấy phép do Bộ NN&PTNT giao; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017 làm cơ sở để xác định hạn ngạch, bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản; tổ chức thực hiện đồng quản lý trong khai thác, nuôi trồng, trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ của tỉnh nhằm bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản, các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản; thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

 Nuôi trồng thủy sản: Chủ động sản xuất giống các đối tượng nuôi truyền thống đáp ứng nhu cầu người nuôi; tập trung sản xuất giống đối tượng chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo các đối tượng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện địa phương; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, ven đảo….

Phát triển chế biến, thương mại: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình công nghệ cho các cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng trên địa bàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản: Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, chế biến thủy sản phù hợp với năng lực khai thác của đội tàu cá; khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản trên biển, chợ đầu mối, chợ đấu giá thủy sản, các cơ sở chế biến, kho lạnh; Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ khai thác, chế biến thủy sản.; đầu tư nâng cấp và khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trại giống đối tượng chủ lực và trại giống phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản biển,…

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra một số giải pháp cụ thể về tăng cường công tác quản lý nhà nước; tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản; cơ chế chính sách và huy động vốn và về đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Tuệ Nhi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!