Mặc dù chỉ hoạt động gần bờ, nhưng mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển ở thôn Đông Tân (xã Tam Hòa, Núi Thành) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Ngư dân Trần Văn Mẹo (Tổ trưởng tổ đoàn kết sản xuất trên biển thôn Đông Tân) cho biết tổ được thành lập cách đây 10 năm, hành nghề giã cào. Trước đó, thôn Đông Tân có nhiều phương tiện khai thác hải sản trên biển nhưng theo kiểu mạnh ai nấy làm nên hiệu quả kinh tế không cao. Hơn nữa, do làm riêng lẻ nên ngư dân thường đối mặt với nhiều rủi ro trên biển. Thấy được điều đó, ông Mẹo đã kêu gọi mọi người thành lập tổ đoàn kết. Ban đầu, tổ chỉ có 12 phương tiện, 36 ngư dân, đến nay tổ đã có 18 phương tiện, 54 ngư dân tham gia. Mục đích chính của tổ là giúp phương tiện của các thành viên khai thác hải sản trên biển có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những ngư dân trong tổ còn được hỗ trợ thêm về thông tin ngư trường, giúp đỡ khi chẳng may đau ốm đột ngột, gặp tai nạn trên biển, thiên tai… Ngư dân Đặng Hữu Lâm (thôn Đông Tân) cho biết: “Trước đây tôi cũng có làm biển nhưng làm riêng, thấy mô hình tổ đoàn kết mà anh Mẹo thành lập mang nhiều hiệu quả nên đã xin tham gia”. Được biết, tổ đoàn kết này kết nạp thành viên tự do, miễn khi vào tổ, phải chấp thuận nội quy của tổ. Tổ này còn lập quỹ, mỗi năm các phương tiện thành viên nộp 1 triệu đồng. Số tiền này dùng để giúp đỡ ngư dân mới, hay hộ ngư dân nào năm rồi làm ăn không hiệu quả. Đây cũng là nguồn kinh phí dùng để thăm hỏi ốm đau, thiệt hại do thiên tai. Trong quá trình hoạt động, chẳng may xảy ra nhiều rủi ro thì tổ sẽ kêu gọi bổ sung nguồn kinh phí nhằm giúp ngư dân thành viên sớm vượt qua khó khăn, yên tâm bám biển sản xuất. Tổ đoàn kết sản xuất trên biển thôn Đông Tân còn đều đặn trích quỹ để tổ chức các hoạt động xã hội ở địa phương như dịp trung thu, lễ hội cầu ngư, gặp mặt cựu chiến binh, các giải bóng đá, bóng chuyền phong trào…
Các thành viên tổ đoàn kết hỏi thăm nhau trong công việc – Ảnh: Xuân Khánh
Nhằm tăng tính hiệu quả, đội tàu này sẽ chia từng nhóm nhỏ luân phiên nhau ra khơi. “Vì khi thường xuyên có tàu ra vào, việc hỗ trợ nhau sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ, một tàu đang khai thác ở ngoài khơi, gặp cá nhiều nên ở lại và cần thêm dầu, lương thực… thì tàu bạn trong bờ sẽ mang ra tiếp ứng. Vừa khai thác được nhiều, lại đỡ tốn thời gian vào bờ lấy dầu, thức ăn”- ngư dân Lê Văn Sỹ (thôn Đông Tân) cho hay. Toàn bộ đội tàu ở tổ này làm nghề lưới giã cào, ngư trường chủ yếu là ngoài khơi vùng biển Cù Lao Chàm. Mỗi chuyến biển kéo dài 3 – 4 ngày, cập cảng Kỳ Hà và Tam Quang để bán cá. Nhiều ngư dân khẳng định, làm nghề giã cào tuy không “nhanh giàu” bằng lưới vây, lưới rút… nhưng được cái ổn định. Nhất là sau khi vào tổ, tính ổn định càng cao hơn, trung bình hàng năm, mỗi ngư dân tích cóp được vài chục đến hơn trăm triệu đồng.
Ông Ngô Văn Hiệp – cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Hòa cho biết trước đây toàn xã có 5 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Nhưng do thay đổi cơ cấu ngành nghề, đến nay chỉ còn 2 tổ đoàn kết ở thôn Đông Tân và Hòa An. Ông Nguyễn Quang Diệu – Chủ tịch UBND xã Tam Hòa nói: “Mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã có nhiều năm nay, giúp ngư dân yên tâm và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn khi làm biển. Riêng tổ đoàn kết ở thôn Đông Tân, họ hoạt động rất tốt, vừa làm biển giỏi, vừa có nhiều đóng góp cho địa phương. Diện mạo nông thôn mới ở Đông Tân đổi thay như hôm nay cũng nhờ một phần ở mô hình này”.