Vượt sóng ra khơi bám biển dài ngày là niềm tự hào đối với ngư dân. Mỗi chiếc tàu của ngư dân Bình Minh là một cột mốc trên biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Làm giàu từ biển
Mới 35 tuổi đời, anh Võ Hồng Nhân ở tổ 2 thôn Bình Tân, xã Bình Minh đã là ông chủ của 2 chiếc tàu QNa 94529, công suất 400CV và tàu QNa 94646, công suất 720CV chuyên khai thác mực khơi có giá trị trên 5 tỷ đồng. Thoát khỏi cơn bão dữ Chanchu 2006 trở về, anh Nhân bỏ nghề đi biển và chuyển sang nghề sửa chữa điện nước. Thế mà mới có 2 năm, dù nghề mới vẫn cho anh thu nhập cao, nhưng chỉ vì tình yêu với biển, nỗi nhớ những chuyến ra khơi đầy ắp cá mực lại thôi thúc chàng trai trở lại biển khơi.
Tàu đánh bắt xa bờ của xã Bình Minh – Thăng Bình.
Theo cha đi biển từ năm 14 tuổi, anh Nhân đã có trên 20 năm kinh nghiệm và tích lũy được một nguồn vốn kha khá. Năm 2010, anh Nhân sở hữu chiếc tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng và năm 2013, anh đã mạnh dạn vay 1,5 tỷ đồng không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cùng với số vốn để dành trên 1,5 tỷ đồng, anh đóng mới thêm một chiếc tàu với công suất lớn hơn tàu cũ là 720CV.
Đầu năm 2014 này, anh Nhân cho hạ thủy con tàu hơn 3 tỷ đồng để kịp ra khơi khai thác vụ cá nam. Chuyến biển đầu tiên từ ngư trường truyền thống Hoàng Sa về với đất liền đã cho anh và 40 lao động trên tàu của anh có nguồn thu nhập khá. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động có thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng, chủ tàu được hưởng từ 200 – 250 triệu đồng/chuyến biển/2 tháng. “Mỗi năm tôi thu nhập từ 2 chiếc tàu cũng gần 2 tỷ đồng, dù giá mực thấp khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng khai thác đạt cao nhất so với từ trước đến nay, điều mà ngư dân chúng tôi sợ nhất là thời tiết bất thường, không khai thác được, còn việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam và dùng tàu xua đuổi, ngăn cản nhưng chúng tôi vẫn không sợ, vì chúng tôi đánh bắt trong ngư trường truyền thống của cha ông và bên cạnh còn có lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư luôn bảo vệ thì lo sợ chi” – anh Nhân khẳng định.
Ông Phan Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình tặng quà cho Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh. Ảnh:Thúy Ưu
Ngư dân Lê Đức Rý ở tổ 3, thôn Bình Tân cũng sở hữu trong tay 2 chiếc tàu có công suất lớn, một chiếc có công suất 420CV và một chiếc công suất 750CV, trị giá trên 6 tỷ đồng. Hai chiếc tàu của anh Rý giải quyết việc làm cho 70 lao động ở Bình Minh và cho nguồn thu nhập hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ở Bình Minh còn có nhiều ngư dân giàu lên từ khai thác hải sản như Trần Công Chi – chủ tàu QNa 94619, Đỗ Thanh Bình – chủ tàu QNa 95258, Đặng Văn Sơn – chủ tàu QNa 94835, Đặng Văn Hoa – chủ tàu QNa 94859, Phan Minh Công – chủ tàu QNa 95889…
Một đời gắn bó với biển, vợ chồng ngư dân Huỳn Ngọc Hiệu và Nguyễn Thị Cúc ở tổ 9 thôn Hà Bình đã vượt bao khó khăn để nuôi 4 người con ăn học thành tài mà nhiều người dân ở đây đều mơ ước, đó là làm giàu tri thức cho con cái.
Trong những người con thành đạt của ông Hiệu có anh Huỳnh Ngọc Thọ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại Pháp, một người con gái là thạc sĩ – bác sĩ Huỳnh Thị Tâm đang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng và hai người con gái còn lại đều là cán bộ viên chức nhà nước. Những ngày tháng gian nan vất vả đó, bà Nguyễn Thị Cúc vẫn không thể quên: “Chồng tôi cùng anh em câu mực khơi xa nhà hàng vài tháng trời, mọi công việc ở nhà một tay tôi cán đáng. Để kịp buổi chợ, tôi thường dậy từ 1 giờ sáng gánh cá hấp chạy bộ hơn 30 cây số đến tận nhà, tận ngõ tại các xã Bình Phú, Bình Lãnh để bán, cực khổ lắm nhưng tôi cố gắng để lo cho các con có cái chữ”. Giờ đây, khi các con ông Hiệu đã thành đạt, đảm bảo cho vợ chồng ông có cuộc sống ổn định và khuyên ông nên nghỉ ngơi, vui tuổi già với con cháu, vậy mà ở tuổi 62, ông vẫn cùng bạn thuyền ra khơi, ông không thể bỏ biển khi đang còn đủ sức khỏe để lăn lộn với sóng biển và đem về cung cấp cho đất liền những chuyến tàu đầy cá mực tươi.
Quyết tâm bám biển
Hiện nay, xã Bình Minh là địa phương có số lượng tàu, thuyền lớn nhất huyện Thăng Bình với 127 phương tiện đánh bắt, công suất từ 20CV – 750CV, trong đó có 75 chiếc công suất từ 90 – 200CV, 38 chiếc có công suất từ 200 – 750CV, còn lại tàu có công suất dưới 90CV, hơn 1500 lao động sản xuất trực tiếp trên biển với các nghề vây khơi, mực khơi và mành điện; hơn 300 lao động tham gia chế biến hải sản.
Bình Minh còn có 8 cơ sở thu mua và chế biến cá, giải quyết việc làm cho trên 600 lao động nữ tại địa phương. Sáu tháng đầu năm 2014, thực hiện chương trình phát triển kinh tế biển, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều chương trình của trung ương và tỉnh, ngư dân Bình Minh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đóng mới, mua sắm, cải hoán 21 chiếc tàu có công suất từ 90CV trở lên để vươn ra khơi xa. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản gần 6.000 tấn, đạt 75% kế hoạch năm 2014. Đây là năm mà nghề khai thác hải sản ở Bình Minh được mùa nhất từ trước đến nay. “Ngư dân Bình Minh đã được trang bị kiến thức kỹ thuật tại 4 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt, trang bị phương tiện hiện đại như máy dò ngang (300 triệu đồng/máy), máy định vị, máy tầm ngư, lưới vây sưa… nên sản lượng đánh bắt tăng” – ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và có các hành động cản trở tàu của ngư dân, nhiều ngư dân Bình Minh đã mạnh dạn vay vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đóng mới 3 chiếc tàu có công suất 400 CV trở lên để bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. “Sắp tới tôi sẽ đóng thêm một chiếc tàu vỏ thép mới có công suất 1.000CV để làm dịch vụ hậu cần, cung cấp đá cây, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm và thu mua cá mực trực tiếp trên biển, nhằm hỗ trợ cho các tàu cá có điều kiện tiếp tục bám biển dài ngày” – ngư dân Võ Hồng Nhân, chủ 2 tàu mực khơi ở thôn Bình Tân xã Bình Minh cho biết.
Theo ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, thời gian đến, xã tổ chức đại hội Nghiệp đoàn nghề cá lần thứ nhất, củng cố lại 26 tổ đoàn kết sản xuất trên biển, thành lập tổ dịch vụ hậu cần nghề cá, triển khai dự án xây dựng bến cá tại phía bắc thôn Tân An rộng 5ha, vận động ngư dân đóng mới 10 chiếc tàu vỏ thép có công suất từ 450-1.000CV để ngư dân can trường bám biển và góp phần cùng với ngư dân trong tỉnh sẽ thêm nhiều cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.