Từ cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi thủy sản nước ngọt trên lòng hồ Sông Tranh 2 của huyện Bắc Trà My, hàng chục hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá nước ngọt thâm canh cho năng suất cao.
Nhân rộng mô hình
Những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chủ yếu là nuôi cá nước ngọt trên cơ sở tận dụng diện tích lòng hồ Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My có bước chuyển biến tích cực. Ban đầu, từ nguồn hỗ trợ 180 triệu đồng của Phòng NN&PTNT huyện như hỗ trợ vay vốn không lãi suất đầu tư làm lồng bè, chi phí thức ăn, cá giống ban đầu, 6 hộ dân xã Trà Đốc, Trà Tân đã hình thành 6 lồng bè nuôi tập trung trên lòng hồ và có nguồn thu nhập ổn định. Bà Nguyễn Thị Hoa, một trong những hộ thí điểm mô hình chia sẻ, không chỉ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0%, gia đình bà còn được Phòng NN&PTNT tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, cụ thể là nuôi cá điêu hồng thâm canh. “Sau thời gian nuôi, 6 lồng cá đã cho thu nhập khá, hiện gia đình tôi còn mở rộng nuôi hàng chục lồng, chủ yếu là cá điêu hồng.” – bà Hoa nói. Từ hiệu quả bước đầu đó, đến nay, lòng hồ Sông Tranh 2 đã có hàng chục hộ tự bỏ vốn đầu tư nuôi cá điêu hồng thâm canh và các loại thủy sản nước ngọt khác như ba sa, rô phi, trê lai… trên tổng diện tích mặt nước 1.600 m2.
Nhiều hộ dân tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh H.L
Hộ ông Đỗ Văn Nên (xã Trà Tân) bắt đầu xuống giống lứa nuôi đầu tiên từ tháng 6/2013, trong đó chủ yếu là cá điêu hồng. Qua 5 tháng thả nuôi, tháng 11.2013, lứa xuất bán đầu tiên, cá đạt trọng lượng bình quân mỗi con từ 0,8 – 1,5kg, trung bình mỗi lồng cho thu hoạch hơn 2 tấn cá, với giá thành dao động 43 – 45 triệu đồng, mỗi lồng ước tính đem về nguồn lợi khoảng 20 triệu đồng. Đến nay, ông Đỗ Văn Nên đã xuất bán được 6 lứa cá nuôi theo kiểu quay vòng, xen kẽ, 6 lứa cá giúp ông thu về 13 tấn cá trị giá khoảng 600 triệu đồng. “Với nguồn thu này, tôi chỉ mới lấy được tiền vốn đầu tư lồng bè 250 triệu đồng, tiền con giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh… nên chưa thể sinh lời. Nếu mọi sự thuận lợi, những vụ xuất bán sau hứa hẹn cho thu nhập cao” – ông Nên tâm sự.
Không chỉ thâm canh cá điêu hồng, gia đình ông Nên còn hướng đến nuôi thí điểm 1 lồng cá trê lai và 1 lồng cá rô phi vốn khai thác nguồn giống từ tự nhiên ở hồ Sông Tranh 2 với tổng số lồng nuôi lên tới 11 lồng. Hiện, cá trê lai và rô phi đã đạt trọng lượng ổn định, có thể xuất bán, ước tính tổng nguồn phụ thu lên tới 40 triệu đồng. “Gia đình tôi mới thả 7 lồng cá nhỏ, 5 lồng cá lớn nuôi theo kiểu quay vòng nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, trong 1 năm có thể có nhiều lứa bán, thời điểm nào cũng cần có cá để cung ứng cho khách hàng” – ông Nên tâm sự. Nguồn thức ăn cho cá được ông Nên và một số chủ bè khác sử dụng có nguồn gốc từ Thái Lan vì bột cá có chất lượng ổn định, giúp đảm bảo thịt cá thơm ngon, chất lượng tốt. Ngoài ra, nguồn cá bột, cá mặt nước khai thác từ lòng hồ cũng là nguồn thức ăn bổ sung, giúp giảm chi phí đầu tư thức ăn, hơn nữa cá lại tăng trưởng và phát triển tốt.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân
Qua nhiều lứa nuôi trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, theo ông Đỗ Văn Nên, cá điêu hồng vốn chịu nắng hơn là chịu thời tiết mưa lạnh. Ở mùa nắng, cá đạt trọng lượng trung bình tốt nhất và ít dịch bệnh nhất, song phải đầu tư hệ thống sục khí cung cấp thêm ô xy cho cá. Mùa mưa cá chậm phát triển, dễ xuất hiện một số bệnh thường gặp như nấm, xuất huyết, trắng mang… Theo một số hộ dân, giá thành của cá những năm qua khá tốt, đầu ra có phần ổn định, thời điểm này không phải lo đầu ra nhưng lo ngại nhất là dịch bệnh ở cá. Tuy nhiên, nhờ chủ động thuốc phòng trị bệnh và nhờ được hỗ trợ kỹ thuật từ ngành nông nghiệp nên bà con khá vững tâm.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My thông tin, những năm qua, nghề nuôi cá nước ngọt thâm canh trên cơ sở tận dụng diện tích lòng hồ Sông Tranh 2 có bước chuyển biến tích cực. Từ hiệu quả của mô hình nuôi thí điểm ban đầu do Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ vào giai đoạn 2012 – 2013, đến nay toàn huyện đã có hàng chục hộ đầu tư phát triển sản xuất với số lượng bè được đầu tư lên đến 11 bè trên tổng số gần 100 lồng. Trong đó, hộ khó khăn rất cần nhận nguồn hỗ trợ, trong khi một số hộ có đủ điều kiện tự bỏ vốn ra đầu tư.
Cũng theo ông Thiệu, trong năm 2015, ngành nông nghiệp huyện sẽ cố gắng hỗ trợ ít nhất cho 1 hộ dân tái định cư là đồng bào thiểu số nuôi cá để cải thiện đời sống với mức hỗ trợ ít nhất là 50% chi phí đầu tư lồng bè và nguồn thức ăn ban đầu. Huyện sẽ xúc tiến đề xuất Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kinh phí để giúp bà con nhân rộng. Mới đây, Phòng NN&PTNT huyện tiếp nhận đăng ký đầu tư nuôi mới 3 lồng bè từ 3 hộ dân địa phương. “Có thể thấy, sức lan tỏa từ mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh, trong đó đối tượng chính là cá điêu hồng là rất lớn. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch vùng nuôi đối với lòng hồ chứa nước Rôn (xã Trà Dương). Song, bên cạnh khâu quy hoạch vùng nuôi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ bà con đầu tư thả nuôi để cải thiện đời sống…, vấn đề đầu ra và thị trường cần được xúc tiến mạnh để tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn tới bí đầu ra hay bị ép giá, bán phá giá” – ông Thiệu cho biết.