UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt quy hoạch tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Nam giai đoạn 2014 – 2018. Đây chính là cơ sở để quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm trên cát, đảm bảo môi trường đồng thời bảo toàn quỹ đất ven biển.
Tổng diện tích quy hoạch tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng là 285,1ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang là 205,9ha, diện tích mở mới 79,2ha. Các địa phương nằm trong vùng quy hoạch là xã Tam Hòa, Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành) và Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình).
Hạn chế ô nhiễm môi trường
Nuôi tôm thương phẩm phát triển ồ ạt thời gian qua đã gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Với quy hoạch này sẽ hạn chế việc xả thải bừa bãi nguồn nước trong quá trình nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Theo đó, muốn được nuôi tôm trong vùng quy hoạch, các hộ nuôi tôm phải thiết kế hệ thống xử lý nước thải. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hệ thống này chiếm khoảng 20% diện tích ao nuôi để đảm bảo chứa được hoàn toàn lượng nước thải vào thời điểm xả thải lớn nhất. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải phải được chống thấm để tránh nước thải thấm lậu xuống nền cát gây mặn hóa nước ngầm.
Ngoài ra, mỗi ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch phải có hệ thống thoát nước được nối vào các hố ga xây dựng dọc theo bờ ao. Từ hố ga, nước thải được thu về ao xử lý. Sau khi được lắng và xử lý đạt tiêu chuẩn, nước thải mới được đưa ra ngoài môi trường. “Đối với các chất thải rắn bao gồm chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất, các hộ nuôi phải thực hiện phân loại, thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn. Trong quá trình nuôi tôm, nếu có hiện tượng tôm nuôi bị nhiễm bệnh, các nông hộ không được tháo nước ra ngoài mà phải được xử lý bằng chlorine nồng độ 30ppm. Liên quan đến nguồn nước, các nông hộ tuyệt đối không được đóng giếng tại chỗ sản xuất lẫn vùng lân cận để đưa nước ngọt vào vùng nuôi, kể cả cho mục đích sử dụng sinh hoạt. Các quy định này, dù khắt khe nhưng quan trọng là đảm bảo không gây tác hại xấu đến môi trường” – bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.
Trước khi có quy hoạch này, hầu như khắp vùng nuôi tôm trên cát của Quảng Nam không có hệ thống xử lỷ nước thải. Đối với các hộ đã nuôi tôm từ trước khi có quy hoạch mà diện tích quá nhỏ không thể thiết kế ao xử lý nước thải thì từ thời điểm này, nước thải trong quá trình nuôi tôm phải được xử lý tại hố ga. Theo đó, các hộ nuôi phải lập tức thiết kế hố ga, tối thiểu phải có đáp ứng kích thước 1,5m x 1m x 2m. Nước thải trong quá trình nuôi tôm được thu gom vào hố ga và xử lý bằng hóa chất khử trùng rồi đưa vào ao xử lý nước thải chung. Do quỹ đất nuôi hạn hẹp nên các hộ nuôi tôm sát nhau có thể thiết kế chung 1 ao xử lý.
Bảo toàn quỹ đất
Hiện nay, nhiều diện tích đất tại các khu vực nuôi tôm ven biển Quảng Nam đã bị biến dạng. Đất rừng ven biển bị người dân khai thác trái phép xây dựng ao nuôi tôm. Thậm chí người dân còn đào ao trong vườn nhà mình. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, trong quy hoạch, UBND tỉnh quy định những nông hộ sản xuất trong vùng nuôi tôm trước đây mà không nằm trong quy hoạch hiện tại phải trả mặt bằng đất nguyên trạng như trước khi nuôi tôm. Không chỉ vậy, những vùng nuôi tôm nằm trong quy hoạch nhưng không đáp ứng được các yêu cầu của quy trình sản xuất thì cũng không được sản xuất. Các hộ đang sản xuất nhưng chưa theo tiêu chuẩn sẽ bị đình chỉ sản xuất hoặc có chế tài bắt buộc thực hiện các điều kiện cần thiết, không “bức tử” môi trường mới được tiếp tục sản xuất.
Theo quy hoạch tạm thời, trong thời gian quy hoạch, nếu Nhà nước thu hồi đất để sử dụng cho mục đích khác thì các hộ nuôi tôm sẽ được bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, từ sau năm 2018 (thời gian hết hiệu lực của quy hoạch), nếu Nhà nước thu hồi đất sử dụng cho các mục đích khác thì các hộ nuôi tôm phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu mà không được nhận bồi thường công trình và vật kiến trúc trên đất đồng thời thu dọn vệ sinh, xử lý môi trường ao nuôi, tự san ủi trả lại mặt bằng như nguyên trạng trước đây.
Ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, thời gian đến, huyện sẽ tổ chức họp với các địa phương là Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hòa để bàn và thống nhất các phương án đảm bảo chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát kỹ thuật, xử lý chất thải của các hộ nuôi tôm. Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trên cơ sở quy hoạch, địa phương đang tổ chức công bố quy hoạch để các cá nhân và tổ chức trong vùng quy hoạch có thể đăng ký nuôi tôm trên cát đúng quy trình như quy định hiện hành. “Các chủ thuê đất nuôi tôm trong thời gian đến phải đáp ứng xây dựng ao nuôi, ao xử lý nước thải theo quy định. Các hộ nuôi phải thực hiện nghiêm các yêu cầu kỹ thuật khi nuôi tôm, phải đóng kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung, đảm bảo không gây tác hại xấu đến môi trường. Đồng thời các hộ nuôi tôm phải thống nhất là trả lại hiện trạng đất ban đầu khi quy hoạch tạm thời hết hiệu lưc từ sau năm 2018” – ông Phan Công Vỹ nói.
>> Theo quy hoạch tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Nam giai đoạn 2014 – 2018 của UBND tỉnh: tại huyện Núi Thành là 148,5ha, trong đó tập trung ở xã Tam Hải là 37,5ha gồm các thôn Thuận An và Bình Trung (gọi chung là Bãi Bấc) với diện tích 27ha; thôn Tân Lập, Đông Tuần (Bãi Nồm) có 8ha; thôn Xuân Mỹ 2,5ha; xã Tam Hòa tập trung 96ha, gồm thôn Hòa An 42ha, thôn Hòa Bình 54ha; xã Tam Tiến có 15ha, tập trung tại thôn Long Thạnh.
Tại huyện Thăng Bình là 136,6ha, trong đó tập trung tại xã Bình Nam là 19,8ha gồm thôn Vịnh Giang: 5,2ha, thôn Phương Tân: 14,6ha. Xã Bình Hải tập trung 116,8ha gồm thôn Kỳ Trân: 28,4ha, thôn An Thuyên: 6ha, thôn Đồng Trì: 13,7ha, thôn Hiệp Hưng: 15,4ha, thôn Phước An: 53,3ha. |