Tự ý chuyển đổi đất vườn sang ao nuôi tôm, nhiều người dân các huyện Núi Thành, Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) từng hy vọng con tôm đem lại sự giàu có. Bây giờ họ trắng tay, chua xót nhìn những vuông tôm bị bỏ hoang.
Tỉnh Quảng Nam vừa ra quân xử phạt nghiêm. Huyện Thăng Bình có hơn 60 hộ bị phạt hành chính vì tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Với huyện Núi Thành, dù đã ra sức vận động, khuyên can nhưng diện tích nuôi tôm trái phép vẫn trên trăm ha, với cả trăm hộ nuôi.
Sau mấy vụ nuôi thua lỗ liên tiếp, tại các xã dọc sông Trường Giang thuộc huyện Núi Thành và một số xã thuộc huyện Thăng Bình, giờ đây những ao tôm bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Một hộ dân xã Bình Nam phá rừng dương trong vườn nhà, đào ao nuôi tôm trên cát – Ảnh: CTV
Tại xã Bình Nam, Bình Hải (huyện Thăng Bình), nhiều ao nuôi tôm phơi đáy, quạt nước chỏng chơ. Anh Á, chủ cửa hàng bán thức ăn cho tôm tại xã Bình Nam cho hay, mấy tháng nay, men vi sinh, thuốc thú y thủy sản… không tiêu thụ được, thức ăn cũng khó bán, do số hộ bỏ ao ngày càng nhiều.
Gia đình ông Đức, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) kể: “Thấy hàng xóm đua nhau đào ao nuôi tôm và có lãi cao, gia đình tôi cũng vay mượn, đầu tư đào ao 500 m2, nuôi. Ngay vụ đầu, khi thu hoạch, giá bán đã quá thấp, không bù nổi chi phí nên tôi bỏ ao luôn”.
Phòng Kinh tế huyện Núi Thành thông tin, số nợ từ các khoản vay dành cho việc nuôi tôm của các hộ dân tại ngân hàng lên tới hàng chục tỷ đồng. Có hộ thua lỗ liên tiếp và không có khả năng chi trả.
Nhiều đại lý bán thức ăn cho tôm tại hai huyện này cũng đứng trước nguy cơ phá sản, khi số tiền thức ăn các hộ nuôi nợ cả chục tỷ đồng. “Như các chủ ao tôm tại xã Tam Hải, Tam Hòa (huyện Núi Thành) nợ tiền thức ăn của tôi đã thời gian dài. Khi đến tận nhà thì ao tôm trống trơn, bỏ hoang, biết lấy gì mà đòi” – Bà Luận, chủ đại lý thức ăn cho tôm tại xã Tam Hải buồn bã.
Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) Nguyễn Giúp nói: Người nuôi xả nước thải trực tiếp từ ao nuôi ra sông Trường Giang rồi lại bơm nước sông vào ao, khiến sông ô nhiễm nặng, mang theo mầm bệnh. Chưa kể thời tiết nắng nóng thất thường, nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch, khi thu hoạch thì bị tư thương ép giá khiến nhiều người nuôi thua lỗ, nản chí và bỏ cuộc.
Theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam, người nuôi TTCT tại hai huyện này sở dĩ bị lỗ và phải bỏ hoang ao nuôi, chủ yếu do con giống chất lượng kém, nguồn nước ô nhiễm nặng, giá tôm không ổn định.
Có thể nói, hệ lụy hôm nay tại một số huyện của tỉnh Quảng Nam bắt nguồn từ việc người dân bất chấp rủi ro, không theo khuyến cáo của ngành chức năng, mải nuôi tôm theo phong trào, không quan tâm khoa học kỹ thuật.