Đây là một trong những nội dung của Quy chế về Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mới được UBND tỉnh ban hành.
Quy chế nêu rõ, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV chỉ được khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi. Tàu cá có tổng công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ. Đồng thời, những tàu cá lắp máy dưới 20 CV hoặc không lắp máy đăng ký ở tỉnh Quảng Nam chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh và vùng đệm. Tàu khai thác thủy sản còn phải đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn khi hoạt động trên từng vùng biển.
Tàu cá phải thường xuyên thực hiện vệ sinh – Ảnh: Xuân Trường
Trong quá trình khai thác, tàu cá phải thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa và các bề mặt khác tiếp xúc với thủy sản trước và sau mỗi chuyến biển. Mỗi tàu cá phải có người chịu trách nhiệm chính về an toàn vệ sinh và chất lượng thủy sản. Thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thủy sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển. Với những tàu cá có công suất máy chính từ 50 CV trở lên phải được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.