Cá tầm đã được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với tỉnh Quảng Ngãi thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại huyện miền núi Sơn Tây. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây thực hiện và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân.
Được sự giới thiệu của anh Trần Quý – Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây về mô hình cá tầm vừa được Trạm Khuyến nông đưa vào nuôi thử nghiệm. Háo hức, chúng tôi vượt quảng đường hơn 100 km lên vùng cao Sơn Tây để nhìn tận mắt loài cá đặc sản nước lạnh.
Cứ ngỡ loài cá chỉ thích nghi ở vùng nước lạnh phải được nuôi trong môi trường đặc biệt. Nhưng điều bất ngờ trên diện tích hồ khoảng trên 100 m2, xung quanh hồ được lót bạt chống thấm, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những con cá tầm sống khỏe mạnh, phát triển tốt ngay ở triền đồi núi thuộc xã Sơn Bua.
Ống dẫn nước được thiết kế vào hồ dưới dạng phun mưa nhằm tăng hàm lượng ôxy cho cá
Tiếp chúng tôi tại hồ nuôi cá, anh Trần Quý rất phấn khởi khi nói về mô hình nuôi cá tầm. Anh Quý chia sẻ, môi trường lý tưởng để nuôi cá tầm là nước lạnh, sạch và ôxy hòa tan cao. Nhiệt độ nước phù hợp cho sự tăng trưởng của cá tầm từ 18 – 23 độ C, nên trước khi quyết định đưa cá tầm về nuôi, chúng tôi đã đến các trại nuôi cá tầm ở Đà Lạt, Kon Tum… để học hỏi, nghiên cứu và nhận thấy điều kiện khí hậu, nguồn nước ở Sơn Tây phù hợp để thả nuôi loại cá này.
500 con cá tầm được thả nuôi phát triển khá tốt
Sau khi lựa chọn địa điểm nuôi thích hợp tại xã Sơn Bua, 500 con cá tầm được Trạm Khuyến nông tiến hành thả nuôi thử nghiệm. Và, kể từ sau thời điểm ấy, anh Quý cùng với đồng nghiệp ăn ngủ tại hồ cá để chăm sóc và theo dõi sự phát triển của cá.
“Mới đưa vào nuôi thử nghiệm nên ai cũng rất lo lắng. Nhưng điều vui là, địa điểm thả nuôi được lựa chọn kỹ, có nguồn nước suối trong mát, nhiệt độ nước ổn định nên sau gần nửa tháng thả nuôi cá tầm phát triển rất tốt, chưa có sự cố nào xảy ra”- anh Quý phấn khởi.
Với nguồn kinh phí đầu tư ao hồ, cá giống lên đến 300 triệu đồng, song anh Quý rất kỳ vọng vào mô hình này. Bởi lẽ, cá tầm là loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế rất cao. Thịt cá trắng, thơm, dai, có vị béo ngậy, toàn thân cá tầm là xương sụn, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra cho sản phẩm khá phong phú.
Theo tính toán, nếu cá phát triển tốt, sau 8 tháng nuôi trọng lượng cá tầm đạt trung bình 3 kg/con. Với giá 300 nghìn đồng/kg, 500 con cá tầm khi bán ra thị trường sẽ mang về nguồn thu không nhỏ. Nếu so sánh với các loài vật nuôi khác thì cá tầm cho lợi nhuận cao hơn hẳn.
Hàng ngày, cán bộ Trạm Khuyến nông luôn túc trực bên hồ để theo dõi, chăm sóc cá
“Sau khi thử nghiệm mô hình nuôi cá tầm có hiệu quả, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai, nhân rộng mô hình này cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện”- anh Trần Quý cho hay.
Ngày xuất cá tầm hãy còn xa, song với tín hiệu bước đầu khá lạc quan về sự thích nghi của cá tầm trên vùng đất Sơn Tây đã mở ra nhiều sự kỳ vọng cho lãnh đạo và người dân địa phương. Nếu việc nuôi cá tầm thành công sẽ tạo nên sự đa dạng hoá đối tượng nuôi trồng cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.