Nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền từng “ăn nên làm ra” trên địa bàn tỉnh nay rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, doanh thu, lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng.
Ông Lịch cho hay, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền của tôi ra đời gần 20 năm trước. Lúc ấy, cả vùng Tịnh Hòa chỉ có cơ sở này nên nhiều ngư dân ở các vùng ven biển tìm đến đặt hàng. Thời thịnh vượng, cơ sở của tôi lúc nào cũng có gần 100 công nhân, lao động làm việc. Mùa nắng thì tập trung đóng tàu mới, còn mùa mưa nâng cấp, sửa chữa, làm nước cho tàu. Trung bình mỗi chiếc tàu đóng mới cần 400 – 500 công nên các đội thợ có việc làm quanh năm, ai cũng có nguồn thu nhập khá. Còn những năm gần đây, đặc biệt, hơn 2 năm qua, tỉnh không cấp phép đóng mới tàu thuyền, công việc làm ăn của cơ sở và người lao động ngày càng khó khăn, thu nhập giảm sút đáng kể.
“Hồi trước, nguồn lợi thủy sản nhiều, ngư dân đánh bắt hiệu quả nên khoảng 3 – 4 tháng là các chủ tàu đưa tàu lên bờ sửa chữa một lần. Còn nay, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân thu không đủ chi nên nhiều tàu mỗi năm chỉ sửa một lần. Không có đơn hàng, cơ sở của tôi cũng chỉ có việc làm khoảng 4 – 5 tháng, những tháng còn lại đành nghỉ”, ông Lịch chia sẻ.
Khoảng 10 năm về trước, Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) từng là nơi đóng mới, sửa chữa tàu thuyền sôi động nằm ở phía nam của tỉnh. Chỉ tay về khoảng đất trống thênh thang với những đường ray đã gỉ sắt, Giám đốc Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh Nguyễn Hoài Nam bảo rằng, chừng 10 năm trước chỗ này chật kín gỗ. Hàng chục trai tráng khỏe mạnh chung sức với máy móc dựng những thân gỗ nặng cả tấn để tạo bộ khung cho con tàu lớn. “Có thời điểm làm không xuể, chúng tôi phải thuê lao động từ các địa phương khác về làm ngày, làm đêm mà không kịp giao cho người đặt mua. Còn giờ đìu hiu lắm!”, ông Nam chép miệng thở dài.
Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, có 1 xưởng đóng, sửa tàu thuyền vật liệu composite của Công ty TNHH Một thành viên Minh Quang, ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Trước đây, bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 50 – 60 lao động, lúc cao điểm tăng lên hơn 100 người. Nhưng nay, do những thay đổi của chính sách, không được đóng mới tàu thuyền, nên mỗi cơ sở chỉ còn khoảng 7 – 10 lao động, khiến cuộc sống của những người thợ đóng tàu gặp nhiều khó khăn.
Không có việc làm, nhiều thợ đóng tàu đành chuyển đổi sang nghề khác. Riêng thợ xảm, thợ mộc phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Anh Hồ Minh, một thợ xảm ở xã Tịnh Hòa bày tỏ, hồi xưa một năm làm 12 tháng, tuy công việc vất vả nhưng ai cũng vui vì có nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Còn giờ công việc ít lắm, một năm có tới 6 – 7 tháng không có việc làm. Vì vậy, để có thêm nguồn thu nhập, những người thợ như chúng tôi phải làm thêm việc khác.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, việc ồ ạt đóng mới tàu cá trong những năm trước đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo định hướng của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, trong những năm đến sẽ giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng, vì vậy việc dừng cấp phép đóng mới và cải hoán tàu hành nghề lưới kéo sẽ tránh được tình trạng phát triển tàu ồ ạt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bài, ảnh: An Nhiên
Nguồn: Báo Quảng Ngãi