Là một trong những tỉnh có đội tàu khai thác xa bờ lớn trong cả nước, để khai thác hiệu quả, bền vững, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn 229/UBND-NNTN chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát, xử lý việc khai thác IUU đối với tàu cá ngư dân trong tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT khẩn trương triển khai thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ NN&PTNT tại Công văn nêu trên và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7989/UBND-NNTN ngày 27/12/2017; xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổng thể về khai thác thủy sản trên biển và tại các cảng cá của tỉnh.
Đối với việc tham mưu ban hành quy định về: Cấm mua bán, vận chuyển một số đối tượng hải sâm liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển các nước; Kiểm soát và quản lý chặt chẽ nghề lặn, đặc biệt là điều kiện hành nghề để đảm bảo an toàn lao động và liên quan đến khai thác các loài hải sâm quý hiếm bị cấm. Trong thời gian chờ các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện các nội dung trên, thống nhất chưa ban hành quy định của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành: NN&PTNT, Tài chính, Ngoại vụ, Nội vụ, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 3349/UBND-NNTN ngày 7/6/2017 và Công văn số 7989/UBND-NNTN ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh.
Theo ghi nhận, tàu đánh bắt giã cào của toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.600 chiếc, chiếm 34%, chủ yếu ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi), Phổ Thạnh (Đức Phổ). Ngày 1/12/2015, tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo tạm ngừng việc phát triển tàu cá lưới kéo (giã cào) và nghề lặn, bao gồm cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ ngoài tỉnh về.
Trong 2 năm qua, ngư dân địa phương đã từng bước chấp hành đúng quy định và không đóng mới thêm phương tiện giã cào. Tuy nhiên, đa số ngư dân đều cho rằng, họ gặp rất nhiều bất lợi. Bởi, giã cào, lưới kéo là nghề truyền thống từ bao đời nay cha ông để lại; những thế hệ con cháu ở đây đã quen với cách đánh bắt bằng hình thức này. Mỗi năm, hoạt động đánh bắt giã cào đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định, có tàu thu được 3 – 5 tỷ đồng/năm. Không chỉ ngư dân khai thác mà cả các cơ sở đóng tàu cũng gặp trở ngại khi phần lớn phải giải thể hoặc chuyển sang làm nghề khác…
Giải pháp cho vấn đề này cũng được quy định tại Công văn 229/UBND-NNTN của UBND tỉnh. Theo đó, đối với việc tạm ngừng đóng mới, nâng cấp tàu cá làm nghề lưới kéo và có chế độ kiểm soát đặc biệt đối với tàu lưới kéo: Tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6224/UBND-NNTN ngày 4/12/2015. Tập trung xây dựng Kế hoạch chi tiết của UBND tỉnh để triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành trước ngày 31/1/2018.