Cá mé là tên gọi chung cho một số loại cá như: Cá bò giấy, cá dóc, cá tà ma… Khi có gió mùa đông bắc, các loại cá này thường bám theo các vật dụng trôi trên mặt biển như nhựa, gỗ, dây neo. Để đánh bắt các loại cá này, ngư dân thường tự chế tạo một loại lưới riêng.
Tàu cá của ngư dân Trần Văn Hậu, ở thôn Tây An Vĩnh cũng là một trong những tàu đánh bắt cá mé hiệu quả. “Bình thường tàu tôi hành nghề chong mực và đi lưới cá cơm, nhưng đến mùa biển động, tôi chuyển sang đánh bắt cá mé. Bình thường mỗi ngày mỗi người có thu nhập khoảng 1 triệu đồng”, ngư dân Hậu cho biết.
Những năm gần đây, số lượng tàu hành nghề đánh bắt cá mé ở huyện Lý Sơn ngày càng phát triển, với hơn 30 tàu. Trung bình mỗi tàu có khoảng 4 – 5 ngư dân hành nghề. Trong quá trình di chuyển, các tàu thường quan sát, khi phát hiện các đồ vật và xác định số lượng cá, các ngư dân sẽ thả lưới bao tròn, sau đó vây lại rồi rút, kéo lưới lên tàu. Để bắt các loại cá này, ngư dân thường tự chế tạo một loại lưới riêng, thường gọi là lưới cước. So với các loại lưới đánh cá khác, lưới cước nhẹ, giúp việc thả lưới, thu lưới của ngư dân dễ dàng hơn. Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Tây An Vĩnh Võ Văn Bót cho biết, các tàu hành nghề lưới bắt cá mé thường sáng đi, chiều vào bờ. Chi phí cho nghề này cũng không cao. Cá sau khi cập cảng còn tươi rói nên được thương lái thu mua với giá cao, giúp ngư dân có nguồn thu nhập khá, trang trải cuộc sống gia đình.
Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn như hiện nay, việc ngư dân linh hoạt chuyển đổi ngành nghề đánh bắt phù hợp theo mùa sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo ngư dân không đánh bắt khi biển động.
Trung Kiên
Nguồn: Báo Quảng Ngãi