(TSVN) – Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh. Theo đó, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của tỉnh từ 5 – 6%/năm, giá trị sản xuất đạt 9.056 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD.
Theo chương trình phát triển thủy sản này, tổng sản lượng thủy sản ở Quảng Ngãi đến năm 2030 đạt 275.000 tấn/năm, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 260.000 tấn. Số lượng tàu thuyền giảm còn dưới 4.500 chiếc.
Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có chiều dài dưới 15 m khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng; giảm tỷ lệ nghề lưới kéo xuống dưới 25%, khuyến khích chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường; 100% tàu thuyền có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp thiết bị giám sát hành trình.
Ảnh minh họa. Nguồn: De Heus
Diện tích nuôi trồng thủy sản phấn đấu đến năm 2030 đạt 2.030 ha nuôi nước lợ, ngọt. Trong đó nuôi lợ 930 ha (gồm nuôi trên cát 300 ha, nuôi vùng triều 630 ha); nuôi nước ngọt 1.100 ha và 200.000 m3 lồng nuôi mặn (khoảng hơn 2.000 lồng nuôi) trên biển.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng dần khoảng 3 – 4%/năm, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15.000 tấn, gồm nuôi nước lợ 12.000 tấn (trong đó tôm nước lợ 9.000 tấn), cá nước ngọt 2.000 tấn, nuôi biển 1.000 tấn.
Đối với chế biến thủy sản, đưa tổng công suất nhà máy chế biến đến năm 2030 đạt 30.000 tấn; sản lượng sản phẩm chế biến khoảng 23.000 tấn, xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD; xây dựng hình thành 1 – 2 chuỗi liên kết sản xuất khai thác, nuôi trồng – chế biến – tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo đúng các quy định của nhà nước về sản xuất kinh doanh thủy sản.
Được biết, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế và giàu tiềm năng để phát triển thủy sản, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Trong chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành chức năng tỉnh nhìn nhận, đánh giá rất rõ và đưa ra giải pháp để phát triển kinh tế biển đồng bộ cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; phấn đấu đưa tỉnh nhà trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển.
Quan điểm của Quảng Ngãi là xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (phát triển thuỷ sản) theo hướng tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng và chế biến; thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt.
Bình An