Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thời điểm này, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn tập trung gia cố lại các lồng bè, chăm sóc thủy sản, cũng như thả nuôi con giống mới, chuẩn bị phục vụ thị trường cuối năm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi, con giống tăng liên tục, nhưng giá bán thủy sản thương phẩm luôn ở mức thấp. “Chưa năm nào người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tôm nuôi đến ngày xuất bán mà không có thương lái thu mua, hoặc mua với giá rất thấp, buộc chúng tôi phải nhờ chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ tiêu thụ. Vụ này, trung bình mỗi hộ thua lỗ vài trăm triệu đồng, không biết lấy tiền đâu mà trả nợ cho ngân hàng”, ông Trương Văn Duy, ở xã Bình Dương (Bình Sơn) cho biết.
Người dân Lý Sơn nuôi cá bớp trong lồng bè.Không chỉ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà năm nay, bão lũ về sớm khiến người nuôi trồng thủy sản không kịp trở tay, gây thiệt hại hàng trăm tấn thủy sản. Tại huyện Bình Sơn, bão số 5 kèm mưa lớn, gây lũ đã làm trôi khoảng 350 tấn tôm thẻ chân trắng và hàng trăm lồng cá các loại, gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã rơi vào cảnh trắng tay chỉ sau một đêm, với khoản nợ hàng trăm triệu đồng.
Ông Lê Văn Phu, ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương chia sẻ, trong đợt bão lũ vừa qua, gia đình tôi bị trôi khoảng 3 tấn tôm, mất trắng 300 triệu đồng. Hiện còn sót lại gần 1 tấn tôm trong hồ, nhưng thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái chỉ thu mua cầm chừng và trả giá rất thấp. Vụ tôm năm nay gia đình tôi lỗ nặng.
Dọc theo chân cầu Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), những ngày qua, nhiều người dân tập trung chăm sóc các lồng nuôi và chuẩn bị xuất bán lứa cá, hàu cũ. Ông Đỗ Văn Được, một người chuyên nuôi cá lồng bè ở phường Phổ Thạnh cho biết, trong hơn 2 tháng phường Phổ Thạnh bị phong tỏa do dịch Covid-19, tôi lo lắm, vì không cho cá ăn đầy đủ, tuy nhiên nhờ thời tiết thuận lợi nên cá phát triển tốt. Giờ 5 tấn cá đã đủ trọng lượng để xuất bán, nhưng do dịch, nhiều mối hàng quen không thể thu mua, nên tôi vẫn chăm sóc số cá này để phục vụ thị trường Tết. Cùng với đó, tôi còn thả nuôi 17 nghìn con cá mú trân châu và cá hồng Mỹ. Dù biết khó khăn, nhưng ở đây không nuôi trồng thủy sản thì không biết làm gì để phát triển kinh tế.
Theo thống kê, phường Phổ Thạnh hiện có hơn 100 hộ nuôi trồng thủy sản; trong đó, có 30% số hộ nuôi cá, còn 70% là nuôi hàu Thái Bình Dương. Nghề này đã giúp rất nhiều hộ dân nơi đây có cuộc sống khấm khá, nên dù năm nay gặp nhiều bất lợi, người nuôi trồng thủy sản vẫn vay vốn đầu tư vụ nuôi mới, với kỳ vọng thị trường phục hồi trở lại trong thời gian đến.
Chi Cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, Quảng Ngãi hiện đã bước vào mùa mưa bão, vì vậy, người nuôi nên xuất bán dần các loại thủy sản đủ trọng lượng; đồng thời chủ động gia cố lại các lồng bè nuôi. Người dân cần tính toán lại các đối tượng nuôi, không tập trung nuôi một loại thủy sản với số lượng lớn mà chuyển sang nuôi xen ghép, tận dụng các tầng nước khác nhau… để cải thiện môi trường nuôi, giảm chi phí, thuận lợi hơn cho đầu ra.