Dọc theo con đường ven biển từ Đức Chánh đến Đức Phong – vùng nuôi tôm tập trung của huyện Mộ Đức, chúng tôi không còn thấy sự bận rộn, hồ hởi của người dân nơi đây khi các hồ tôm đã cạn nước, trơ đáy mặc dù đang vào vụ nuôi tôm chính trong năm…
Hơn một tháng nay, những người nuôi tôm ở Mộ Đức cảm thấy vô cùng bất an vì dường như chuyện dịch bệnh ở tôm đang lập lại ở vùng đất cát khô cằn này.
Anh Phạm Hồng Danh – người nuôi tôm thẻ lâu năm ở Đức Phong cho biết: “Cách đây bốn năm, vào thời điểm sau Tết, tôm vẫn có hiện tượng bỏ ăn, nhưng chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày, mức độ thiệt hại thấp. Năm nay, đa số các hộ nuôi tôm đều thất bại. Nhiều người cho rằng, do giống chất lượng thấp. Thế nhưng, những hộ mua giống của công ty lớn, chuyên sản xuất tôm giống trong Bình Thuận, mà tôm vẫn chết như thường.
Nhờ áp dụng đúng quy trình nuôi nên các hồ tôm của gia đình ông Nguyễn Lá ở Đức Minh phát triển tốt, hứa hẹn vụ tôm bội thu.
Nhiều hộ xử lý đủ cách, dùng đủ loại thuốc, nhưng thả đợt nào thất bại đợt đó. Vụ tôm này gia đình anh Danh thả nuôi 4 hồ khoảng 40 vạn giống. Hiện tôm được 75 ngày tuổi, nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 30%. Với tỷ lệ sống như vậy, nhẩm tính tôi lỗ cả trăm triệu đồng”.
Nhìn dàn máy sục khí trị giá 30 triệu đồng vừa mua, anh Nguyễn Văn Giáo thở dài: “Tôi phơi hồ 2 tuần nay để nghe ngóng các hộ bên cạnh. Chỗ nào nuôi được là tôi chạy sang hỏi thăm đánh thuốc gì, mua giống ở đâu… để chuẩn bị thả lại. Gia đình tôi lo lắm, 3 đợt vừa rồi lỗ hơn 150 triệu đồng”. Sợ vụ tôm mới thất thu, anh Giáo vay tiền đầu tư dàn sục khí đáy 30 triệu đồng, với mong muốn tôm chống chọi được dịch bệnh, nhanh lớn, bán có lãi để trả nợ…
Còn ông Nguyễn Lá, xã Đức Minh thì may mắn hơn. Hiện 4 hồ tôm của ông đều qua “ngưỡng” an toàn. Trong đó có 1 hồ chuẩn bị xuất bán. Ông Lá hồ hởi khoe: “Chỉ ít ngày nữa là tôi xuất bán 1 hồ, chắc cũng kiếm được vài trăm triệu. Có được như vậy là do gia đình tôi đầu tư kỹ lưỡng, nuôi đúng quy trình; đồng thời nuôi xen ghép cua xanh, cá dìa, cá đối. Hơn nữa, mật độ thả 50 con/m2 nên mới được như thế này”.
Không chỉ gia đình anh Giáo rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần mà có trên 90% hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi bị thua lỗ. Nhiều gia đình mất vài trăm triệu sau 3 đợt thả giống thất bại.
Theo các hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Chánh, dịch bệnh năm 2012 được xem là đợt dịch nặng nhất từ trước đến nay đã kéo dài sang năm 2013. Vì vậy, đến thời điểm này, chỉ vài ba hộ ở Mộ Đức nuôi tôm phát triển đến tháng thứ 3. Số còn lại, mọi công sức và tiền bạc đều theo dòng nước đổ ra biển…
Trao đổi vấn đề trên với anh Nguyễn Đức Lam – cán bộ Phòng Nông nghiệp Mộ Đức, chúng tôi được biết: Năm 2013, huyện có kế hoạch nuôi 110,4ha, nhưng nhiều khả năng bà con bỏ trống 50 – 60 ha. Nguyên nhân là những vụ trước bà con lỗ nặng do dịch bệnh, nay không có tiền nuôi lại.
Nói về dịch bệnh, anh Lam cho rằng, nguyên nhân là do bà con không thực hiện theo lịch thời vụ mà nuôi liên vụ, coi thường khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhiều người không tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi tôm vì cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm. Thêm vào đó là môi trường bị ô nhiễm, giống không được kiểm soát kỹ về chất lượng. Nhiều hồ tôm bị nhiễm hội chứng gan tụy, đốm trắng, khiến dịch bệnh lây lan nhanh gây thiệt hại nặng.
Ông Võ Văn Kỷ – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Để tránh dịch bệnh bùng phát, ngành đã khuyến cáo bà con nắm vững kỹ thuật nuôi tôm; chấp hành tốt lịch thời vụ và chú trọng vệ sinh hồ nuôi cho tốt. Tuy nhiên, đến nay người dân mới thả nuôi 264 ha, nhưng có tới 49 ha thả trước lịch thời vụ. Hậu quả là có 30 ha tôm bị dịch bệnh, trong đó 20 ha tôm vùng triều, 10 ha tôm trên cát ở Mộ Đức và Đức Phổ. Đặc biệt là qua 5 mẫu xét nghiệm thì có 4 mẫu dương tính vi rút đốm trắng, đây là vi rút rất nguy hiểm, chưa có giải pháp chữa trị”.