(TSVN) – Nhờ tập trung nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm, Quảng Ninh từ một địa phương có diện tích nuôi tôm hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, đến nay, diện tích nuôi đã tăng lên gần 7.000 ha, trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở miền Bắc.
Quảng Ninh có 11 địa phương ven biển, đến nay, đã có Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Hạ Long, Quảng Yên lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ với diện tích khoảng 11.700 ha. Trong số những địa phương này có Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.
TP Móng Cái là địa phương đi đầu về nuôi tôm của Quảng Ninh, với 1.289 ha ao đầm nuôi tôm thương phẩm. Những diện tích nuôi này đều được các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, như: Công nghệ nuôi tôm ba giai đoạn; công nghệ biofloc; nuôi ít thay nước; nuôi tuần hoàn nước; ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản… Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng con tôm ở TP Móng Cái đã tăng mạnh qua từng năm. Trong năm 2021, sản lượng tôm nuôi của thành phố đạt trên 5.100 tấn, trị giá đạt khoảng trên 400 tỷ đồng.
Vùng nuôi tôm công nghệ cao ở Quảng Ninh. Ảnh: Tân An
Những năm gần đây, phương thức canh tác đã chuyển dịch từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh. Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi tại Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên cho năng suất trung bình hơn 10 tấn/ha/vụ, thậm chí có những mô hình đã đạt năng suất nuôi từ 25 – 30 tấn/ha/vụ.
Được biết, năm 2021, tổng sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 14.000 tấn, trị giá đạt khoảng 1.400 tỷ đồng. Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Quảng Ninh hướng đến tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác thủy sản, nhất là tập trung nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, trong đó có con tôm thương phẩm. Hiện, Sở đang tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm đảm bảo chất lượng gắn với các vùng nuôi, thuận lợi cho xuất khẩu, nâng cao giá trị thành phẩm và thu nhập cho người nuôi.
Về con giống, hiện, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản chủ động về nguồn giống tôm, tuy nhiên năng suất nuôi đạt chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, tiêu thụ còn yếu, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số nơi vẫn còn, cơ sở thu mua, chế biến tôm và sản phẩm nuôi biển chưa thật sự đem lại được hiệu quả.
Để khắc phục hạn chế này, Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ mới.
Mục tiêu của tỉnh là hết năm 2022 sẽ hoàn thành việc sắp xếp các khu vực nuôi tôm và nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy định và di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng lõi Vịnh Hạ Long. Đồng thời siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Mộc Trà