(TSVN) – Là một tỉnh ven biển, Quảng Ninh đã và đang tận dụng những tiềm năng được ưu đãi, đặc biệt trong phát triển NTTS. Đây là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ngoài đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nuôi tôm nước lợ đang là hướng đi rất hiệu quả được tỉnh chú trọng đầu tư.
Tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế lớn để phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế biển. Ngay từ năm 2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh cũng lập kế hoạch, đề án để phát triển kinh tế thủy sản. Với hơn 43.000 ha rừng ngập mặn, trong đó trên 26.000 ha có khả năng NTTS; gần 9.000 ha bãi cao triều và trên cao triều… các địa phương trong tỉnh đã tận dụng lợi thế này để khuyến khích người dân tập trung vào nuôi các loại thủy sản chủ lực như: tôm, nhuyễn thể, cá biển… Tỉnh đã hình thành một số vùng NTTS, như vùng nuôi tôm với diện tích gần 9.700 ha, vùng nuôi nhuyễn thể với diện tích 4.383 ha, vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm gần 1.855 ha…
Năm 2021, diện tích NTTS của tỉnh khoảng 21.300 ha, đạt 100% kế hoạch năm; giá trị sản xuất đạt 13.009,59 tỷ đồng, chiếm 52,5% giá trị của toàn ngành nông nghiệp. Theo mục tiêu mà tỉnh đặt ra, đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất thủy sản của Quảng Ninh sẽ tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so năm 2020, chiếm từ 55 – 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngày một phát triển tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Tân An
Tôm nước lợ được lựa chọn là đối tượng quan trọng trong NTTS của tỉnh Quảng Ninh, nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân, đồng thời nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Hiện nay, trong tổng diện tích gần 7.000 ha nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh thì có đến 3.812 ha nuôi công nghiệp. Nhờ vậy, năng suất tôm nuôi cũng tăng lên khá nhiều. Quảng Ninh trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh, thành phía Bắc về nuôi tôm. Năm 2021, tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 14.000 tấn, giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
Để đảm bảo đạt năng suất cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, người nuôi tôm đang áp dụng những mô hình nuôi hiệu quả, như: mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn… Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi công nghiệp TTCT công nghệ cao tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái… cho năng suất trung bình 8 – 10 tấn/ha/vụ, thâm chí có mô hình đã đạt 20 – 25 tấn/ha/vụ.
Từ năm 2012, ông Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Ngọc, TP Móng Cái), thử nghiệm thâm canh TTCT. Vụ đầu tiên, với 0,6 ha tôm nuôi, ông đã thu hoạch được gần 10 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ hết chi phí, ông Dũng thu lãi gần 600 triệu đồng. Mô hình nuôi này được ông Dũng áp dụng, nhân rộng và duy trì cho đến nay. Theo ông Dũng, nuôi thâm canh nên thời gian thả nuôi TTCT ngắn (nuôi hơn 3 tháng), do vậy gia đình đã tăng lên 2 vụ/năm. Sản lượng tôm thâm canh cao gấp 10 lần so với nuôi quảng canh. Hiện nay, trung bình 1 năm, gia đình ông thu được hơn 20 tấn TTCT, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Hay Công ty CP Thủy sản Tân An. Với 10 ha nuôi TTCT theo công nghệ 3 giai đoạn, siêu thâm canh. Trung bình mỗi năm, Công ty thu hoạch khoảng 600 – 800 tấn TTCT, doanh thu đạt 70 – 80 tỷ đồng. Riêng vụ đông năm 2021, sản lượng 140 – 160 tấn, doanh thu khoảng 20 – 25 tỷ đồng.
Mô hình nuôi tôm bể ương nổi do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh phổ biến vào cuối năm 2019 cũng đã và đang mang lại hiệu quả cao. Ông Từ Văn Nam (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển giao kỹ thuật trong nuôi tôm. Sau một thời gian áp dụng, mô hình giúp gia đình ông Nam thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so những vụ nuôi trước, tỷ lệ tôm sống cao và phát triển khỏe mạnh.
Quy trình lựa chọn tôm giống nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Ảnh: Mai Linh
Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao của tỉnh như: Nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP tại các hộ dân phường Tân An và Minh Thành (thị xã Quảng Yên); nuôi tôm 2 giai đoạn tại thị xã Quảng Yên; nuôi TTCT siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ Trúc Anh…
Thời gian gần đây, nhiều trang trại nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp quản lý, kiểm soát việc nuôi tôm vụ đông khá hiệu quả. Một số đơn vị, cá nhân thực hiện thành công mô hình nuôi tôm trong nhà che bạt, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước. Bằng những giải pháp sản xuất hợp lý trong vụ đông, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã duy trì hoạt động hiệu quả xuyên suốt cả năm thay vì phải “nghỉ đông”. Với hình thức sản xuất mới này, dự kiến sẽ nâng cao hơn nữa sản lượng, giá trị ngành hàng tôm của tỉnh. Mục tiêu đưa sản lượng tôm nuôi năm 2022 lên 25.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng và 50% giá trị NTTS toàn tỉnh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm nước lợ, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà với diện tích gần 170 ha, do Công ty TNHH Việt Úc – Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nhằm chủ động cung ứng con giống chất lượng cao.
Năm 2021, Công ty đã sản xuất 1,2 tỷ con giống TTCT cung cấp cho thị trường từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Từ năm 2022, các trại giống của Công ty sẽ sản xuất 2 tỷ con giống trở lên/năm. Có thể nói, đây là bước đệm rất quan trọng để ngành tôm Quảng Ninh khai phá hết tiềm năng trong nuôi tôm và xác lập vị thế dẫn đầu về sản xuất tôm nước lợ ở khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, nhằm nâng cao giá trị của con tôm, tỉnh còn chủ trương tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị ngành tôm, từ sản xuất cung ứng giống, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi trên địa bàn tỉnh.
Thị trường tiêu thụ tôm và sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN… Tuy nhiên, lĩnh vực này của tỉnh vẫn còn nhiều tôn tại, vướng mắc.
Trước hết, mặc dù tỉnh tương đối chủ động về nguồn giống tôm song nguồn vật tư sản xuất nhất là nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản đang phụ thuộc thị trường. Năng suất tôm nuôi của Quảng Ninh đạt không cao, đặc biệt là tính liên kết yếu, thiếu…; điều này đã khiến cho nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chính vì vậy, mặc dù nằm trong nhóm các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn ở phía Bắc, tuy nhiên, năng suất tôm nuôi trung bình của tỉnh đạt gần 2 tấn/ha, chỉ chiếm 2% sản lượng nuôi cả nước.
Ngoài ra, nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh cũng đang gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu; tác động môi trường từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; chính sách biên mậu về nhập khẩu tôm nuôi của Trung Quốc có nhiều thay đổi; diện tích nuôi quảng canh còn khá lớn; hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi mô hình nuôi tôm chưa thật sự lớn…
Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh cần tăng cường thu hút đầu tư vào thủy sản, ưu tiên các mô hình hợp tác công – tư, các mô hình sản xuất theo chuỗi. “Tôm, cá, nhuyễn thể đã được xác định là đối tượng nuôi chính của ngành thủy sản Quảng Ninh. Trong những năm tới không tăng diện tích nhưng tăng sản lượng, tiêu thụ sản phẩm tiến tới qua sàn thương mại điện tử thay vì chỉ chú trọng tiêu thụ trực tiếp”, ông Thành nhấn mạnh.
Bảo Hân