Khi các cánh đồng lúa ở Đông Hải (Tiên Yên) chín vàng, nông dân hồ hởi ra đồng gặt lúa, thì nhiều người nuôi tôm ở xã lại canh cánh nỗi lo mùa tôm “chín”. Với nhiệt độ thời tiết lên đến 40 độ C đã biến nhiều ao đầm nuôi tôm nơi đây thành những chảo nước nóng khổng lồ, luộc chín những con tôm. Đa phần các hộ vội vàng bán tôm non vì sợ dịch…
Đầm tôm kẻ khóc, người cười
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm đồng tôm, anh cán bộ xã cho biết, Đông Hải là một trong những xã nuôi nhiều tôm của huyện Tiên Yên. Toàn huyện hiện có 1.335,45 ha nuôi tôm với 458 hộ nuôi ở các xã Đông Hải, Hải Lạng, Đồng Rui… Mùa nắng nóng năm nay có khoảng 80 ha nuôi tôm bị ảnh hưởng (trừ Đồng Rui), trong đó Đông Hải bị nặng nhất. Xã có 121ha nuôi tôm với 60 hộ nuôi (nhiều thứ 2 của huyện, sau Hải Lạng), thì có đến 90% số hộ bị ảnh hưởng. Trong số 150 ao (đầm) nuôi ở xã thì có 100 ao (thả mới) tôm chết nhiều, số ao cũ cũng rải rác có tôm chết. Nguyên nhân được đưa ra là do nắng nóng làm sốc phèn nhôm ao mới, người dân chưa có kinh nghiệm, đào ao nông, nên càng nóng do ao ít nước. Do không biết nguyên nhân tôm chết, sợ tôm dịch, đa phần các hộ có ao tìm cách bán tháo tôm. Tôm thu hoạch non, nên sản lượng chỉ khoảng 50 tấn, giá bán rẻ, khoảng 50.000 đồng/kg. Anh cán bộ xã cho biết: Nếu như suôn sẻ, sản lượng 100 ao nuôi này đúng vụ đạt khoảng 300 tấn, giá 160.000 đồng/kg. Như vậy, tính ra riêng người nuôi tôm ở Đông Hải mất hơn 45 tỷ đồng…
Nhiều hộ ở thôn Khe Cạn tìm cách bắt đến những con tôm nuôi cuối cùng để bù đắp phần nào thua lỗ…
Chúng tôi đến thôn Khe Cạn, nơi bắt đầu nuôi tôm từ cuối năm trước, hiện có 80 ao nuôi tôm, nhiều nhất xã. Một cảnh hoang vắng bên các ao đã thu hoạch non vì… sợ dịch; còn ở các ao chưa thu hoạch, nhiều chủ đầm ngồi bần thần bên bờ, bởi gần như đã biết trước số phận của con tôm nuôi. Anh Phạm Văn Khương, người đã có nhiều năm nuôi tôm ở nơi khác trong xã, cho biết: Sau nhiều vụ nuôi, anh đã mua được xe hơi, máy đào ao… Lúc nhàn rỗi, anh mang máy đi đào ao thuê cho các hộ có nhu cầu mở thêm ao đầm. Năm nay chuyển về nuôi trồng ở vùng đất mới Khe Cạn, theo kinh nghiệm của anh, ao đầm mới không có chất độc tích tụ từ những vụ tôm trước, không phải khử độc, mà ở ao cũ, dù có khử cũng không hết được, anh vay mượn thêm, đầu tư vài tỷ đồng nuôi 2ha tôm. Anh buồn bã: “Nào ngờ… Đúng là người tính không bằng trời tính. Số tiền tôi thu lại từ vụ tôm này từ bán tôm non vì sợ dịch, chỉ chừng bằng 25% số tiền bỏ ra. Vụ tới tôi đang tính bán cả xe hơi và máy đào ao để đầu tư, gỡ lại vụ tôm trước…”.
Anh Lương Nam (thôn Hà Tràng Đông) là một trong số hộ nuôi của xã không chịu cảnh “thất bát”, cho biết: “Năm nay tôi thu về đủ vốn, gọi là mất cái công, nhưng cái được là bài học kinh nghiệm”. Anh Nam nuôi khoảng 1ha. Khi số tôm trong ao chết lác đác, anh cũng vội thu hoạch non, rất may số tiền thu được đủ trang trải các khoản đã đầu tư. Với bà Phạm Thị Nhàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bông Nhàn, dù cũng có tôm chết lác đác trong đầm, vẫn nở nụ cười rất tươi, tin tưởng: “Đã có thương lái đến đây mua tôm của tôi giá 168.000 đồng/kg, nhưng tôi đợi được giá mới bán. Năm nay nhiều hộ nuôi bán tôm non hết rồi, nên chẳng còn mấy người ở xã có tôm bán. Tôm của tôi hiện khoảng 40 con/kg, trong khi các hộ bán non là 120 con/kg, nên giá bán rẻ”. Bà Nhàn có khoảng 3ha ao đầm, năm trước Công ty của bà thu 15 tấn tôm, lãi gần 2 tỷ đồng. Năm nay, do không còn nhiều hộ có tôm bán vì đã bán non trước đó, nên Công ty của bà sẽ có doanh thu cao hơn năm trước.
… Trong khi đó đa phần các hộ ở thôn Hà Tràng Đông vẫn bình thản chờ đúng vụ thu hoạch tôm.
Thay lời kết
Theo các hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi thả mới, họ không có hiểu biết về nghề nuôi mà chỉ tự học hỏi lẫn nhau là chính. Hàng ngày có rất nhiều đơn vị đến tận đầm tôm tiếp thị thức ăn, thuốc phòng dịch, thuốc khử độc cho tôm. Bà con không biết đâu là tốt, đâu là xấu, cứ nghe bùi tai là mua. Khi tôm bị nghi là mắc dịch, bà con cứ rải loạn thuốc xuống ao, đầm, vô tình làm hại con tôm.
Về việc này, ông Hoàng Văn Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho rằng: Người dân bảo không có kiến thức về nghề là không đúng, bởi hàng năm Phòng đều mời các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đến giảng dạy ở các lớp tập huấn do huyện tổ chức. Riêng từ đầu năm đến nay Phòng đã mở được 2 lớp kỹ thuật nuôi tôm ở Đông Ngũ và Đông Hải với 80 học viên tham gia. Còn việc người dân mua giống tôm ở đâu, Phòng cũng đã tư vấn cho bà con tại các lớp học, nhưng nhiều hộ vẫn thích mua hàng của các đơn vị tiếp thị, vì bán tận nơi, giá rẻ hơn. Công ty TNHH MTV Bông Nhàn thì khác, đã theo đúng chỉ dẫn của Phòng, mua tôm giống chất lượng cao của Hiệp hội Tôm Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận), nên hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong năm qua, huyện đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới vào các hạng mục: Xây dựng 4 đường dây và trạm hạ áp đến vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Đồng Rui, Đông Hải, Đông Ngũ; xây dựng tuyến đường giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung tại thôn Thượng, thôn 4 xã Đồng Rui và xã Đông Hải. Phòng đã ký kết với Chi cục Thú y tỉnh hàng tháng lấy mẫu bùn, nước ao đầm, tôm về xét nghiệm và đã khuyến cáo các hộ nuôi quảng canh đào ao sâu hơn tránh việc tôm chết nóng. Đồng thời có văn bản hướng dẫn các xã cấp phát hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch bệnh tôm cho các hộ dân theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể trong năm đã cấp phát 10 tấn chlorine cho các xã nuôi tôm…
Dịch bệnh trên tôm diễn ra rất nhanh. Trong khi việc xét nghiệm dịch bệnh mất mấy ngày (huyện phải mang mẫu lên tỉnh), nên khó kịp thời xử lý. Điều khó nữa, Phòng hiện chưa có kỹ sư thủy sản để có thể chủ động tư vấn cho người dân những diễn biến bất thường của dịch bệnh, để từ đó kịp thời ứng phó, phòng tránh.