Lồng bát quái (hay còn gọi là lờ dây, lồng xếp, rọ lồng, lưới bóng lồng…) được du nhập từ Trung Quốc vào Quảng Ninh khoảng năm 2006. Từ đó đến nay, việc khai thác bằng loại ngư cụ này đã không ngừng bành trướng trên các vùng biển của Quảng Ninh…
Ngư dân khai thác thủy sản bằng lồng bát quái tại vùng biển Vân Đồn.
Giật mình vì khả năng hủy diệt của lồng bát quái
Một bộ lồng bát quái dài khoảng 5-10m, bao gồm nhiều khung lồng có dạng hình hộp, được tạo thành từ các khung sắt hình chữ nhật xếp song song và liên kết với nhau bằng áo lưới có kích thước mắt lưới từ 6mm-10mm, dọc theo thân lồng có nhiều cửa hom để thủy sản đi vào nhưng không có cửa ra. Nguyên lý hoạt động của lồng bát quái là đặt sát đáy các vùng ven bờ có độ sâu thấp từ 3m-15m để bẫy, ngăn cản đường di chuyển của các loài thuỷ sản.
Do lồng bát quái đánh bắt nhiều loại đối tượng và cho hiệu quả cao, tính năng xếp gọn, kỹ thuật khai thác đơn giản nên được nhiều ngư dân sử dụng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 800 tàu thuyền có sử dụng lồng bát quái, chiếm 12% tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là ngư dân các xã Liên Hòa, Liên Vị, Tiền Phong của TX Quảng Yên và Phú Hải của huyện Hải Hà.
Tang vật lồng bát quái bị lực lượng chức năng thu giữ tại vùng biển Vân Đồn.
Mỗi thuyền sử dụng từ 200-400 bộ lồng bát quái, tương đương chiều dài 2km-3km. Theo tính toán của Chi Cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, với số lượng này, hiện mỗi đêm ngư dân giăng mắc trên dưới 1.500km lồng, gấp 6 lần chiều dài ven biển toàn tỉnh; vây bắt trên 24.000 tấn thủy sản mỗi năm, cao hơn đến 6.000 tấn/năm so với mức sản lượng cân bằng vùng ven biển toàn tỉnh (18.000 tấn/năm), trong đó tỷ lệ các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn quy định chiếm khoảng 70% tổng sản lượng khai thác.
Quan trọng hơn, hàng trăm km có giăng lồng bát quái trên sẽ ngăn chặn đường di chuyển của thủy sản, vốn theo tập tính con bố mẹ phải vào ven bờ để đẻ trứng, còn con non phải ra biển để trưởng thành, từ đó làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Chính bởi lồng bát quái là ngư cụ du nhập từ nước ngoài, chưa được khảo nghiệm và cho phép sử dụng; đặc điểm ngư cụ có mắt lưới nhỏ hơn rất nhiều so với quy định, tính chọn lọc rất thấp và quan trọng hơn nguyên lý hoạt động là ngăn cản đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản nên đây là nghề nằm trong danh mục nghề khai thác thủy sản bị cấm.
Luật đã rõ nhưng cấm vẫn… khó
Cụ thể, Điều 6, Khoản 1, Luật Thủy sản, quy định “cấm mọi hành vi ngăn chặn đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản tại các vụng vịnh, cửa sông”. Nghị định 103/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ đã quy định “phạt tiền từ 3-6 đồng, tịch thu tang vật đối với hành vi sử dụng các loại ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài vào mà chưa được cơ quan có thẩm quyền khảo nghiệm và cho phép sử dụng”. Tiếp đến Nghị định 31/2010/NĐ-CP năm 2010, Chính phủ tiếp tục quy định “xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng và tịch thu tang vật đối với hành vi sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định của Bộ NN&PTNT (15mm) để khai thác thủy sản”.
Mỗi thuyền ngư dân thường sử dụng từ 200 – 400 bộ lồng bát quái, tương đương chiều dài 2km -3km.
Riêng tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2014 đã thoả thuận với Bộ NN&PTNT ra Quyết định 2418/2014/QĐ-UBND cấm bổ sung 5 nghề khai thác thủy sản, trong đó đặc biệt nhấn mạnh cấm nghề lồng bát quái. Cụ thể là “cấm nghề lồng bát quái khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa (trừ trường hợp khai thác trong đầm nuôi hoặc trong ao nuôi)”.
Hiện nay ngoài Quảng Ninh đã có 7 tỉnh, thành trong cả nước cấm nghề khai thác thủy sản bằng lồng bát quái. Riêng đối với Trung Quốc, “cái nôi” của lồng bát quái cũng đã quy định cấm triệt để nghề này trên các thuỷ vực tự nhiên (bất kể kích cỡ lưới nào, chỉ cho phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản). Nếu phát hiện vi phạm không chỉ bị phạt tiền, thu giữ tang vật theo quy định mà còn bị cắt kinh phí hỗ trợ 2 tháng cấm biển của Chính phủ.
Có thể thấy quy định cấm sử dụng lồng bát quái trong khai thác thủy hải sản tại Quảng Ninh đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên hiện nay, một số ngư dân, trong đó đặc biệt là ngư dân 2 địa phương Quảng Yên và Hải Hà (địa phương có số lượng ngư dân sử dụng lồng bát quái để khai thác nhiều nhất tỉnh) lại đang có ý kiến bức xúc về việc tỉnh cấm nghề khai thác bằng lồng bát quái.
Thậm chí mặc dù 2 địa phương Quảng Yên, Hải Hà đã tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tuyên truyền, đối thoại cho ngư dân, tuy nhiên các hộ ngư dân vẫn có đơn khiếu nại lên UBND tỉnh và Chính phủ. Lý do mà các ngư dân đưa ra là họ chưa được tuyên truyền nhiều về nội dung cấm lồng bát quái đồng thời hiện đã huy động vốn để đầu tư chi phí vào lồng, phương tiện để khai thác, nên nếu cấm thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ…
Không khoan nhượng với nghề cấm
Lồng bát quái được bán công khai tại môt cửa hàng ngư lưới cụ tại phường Quảng Yên, TX Quảng Yên đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Thực tế khai thác thủy sản là nghề hoạt động có điều kiện, trong đó quy định bắt buộc là phương tiện khai thác của ngư dân phải được đăng ký, đăng kiểm (tàu khai thác ven bờ cũng phải có đăng ký) và ngư dân hoạt động bất cứ nghề khai thác nào cũng cần phải được cấp giấy phép khai thác. Nghề khai thác thủy sản bằng lồng bát quái là nghề cấm, từ trước đến nay đơn vị chức năng không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho nghề này. Nếu ngư dân thực hiện đúng quy định, chỉ khai thác nghề đã được cấp phép thì sẽ không hành nghề lồng bát quái, không huy động vốn để đầu tư cho nghề rồi để bị ảnh hưởng đời sống như hiện nay.
Điều này cho thấy chính mỗi ngư dân cần thiết phải làm việc theo đúng quy định của pháp luật và nêu cao trách nhiệm của mình đối với biển. Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như khuyến khích, vận động ngư dân chuyển đổi nghề.
Được biết hiện UBND tỉnh đã quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng lồng bát quái khai thác thủy sản từ nay đến hết 31/12/207, các đơn vị chức năng sẽ lập biên bản nhắc nhở, tạm thời chưa thu giữ ngư cụ, tuy nhiên, từ 1/1/2018, sẽ tiến hành thu giữ đồng bộ, cấm sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo cơ quan chức năng, vùng biển Quảng Ninh có rất nhiều bãi đẻ của các loại thủy sản nên chỉ cần thực hiện tốt việc ngăn chặn các nghề khai thác thủy sản có tính tận diệt, trong đó đặc biệt là lồng bát quái trong vòng 2 năm thì vùng biển Quảng Ninh sẽ giàu có nguồn lợi thủy sản trở lại.