Cách trung tâm xã Tân Lập khoảng gần 4km, Thoi Dây là vùng vịnh nhỏ ở khu vực cửa sông Cái Mắm. Ở đây địa hình, địa thế rất thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản, với nhiều đảo nhỏ tạo thành vùng nước kín gió, được bổ sung lượng nước ngọt vào mùa mưa hàng năm. Bên cạnh đó, hệ thống rừng ngập mặn xung quanh lưu vực sông cũng giúp cân bằng môi trường sinh thái, có tác dụng tốt khi nuôi cá nước mặn.
Đưa chúng tôi đi tham quan các hộ dân nuôi cá lồng bè trong vùng, ông Tô Phúc Thịnh, chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đức Thịnh, tâm sự: “Cách đây hơn chục năm về trước, nơi này chỉ là một vùng sông nước hẻo lánh. Người dân chủ yếu làm nghề khai thác chứ chưa nuôi trồng thuỷ sản nhiều như bây giờ. Lúc ấy, gia đình tôi làm nghề thu mua hải sản. Sau thấy thị trường tiêu thụ kém, giá cả thấp, nhu cầu nhập hàng cũng không nhiều, tôi mới nghĩ đến việc chuyển sang nuôi cá lồng bè. Ý tưởng là vậy nhưng khó nhất là tìm địa điểm nuôi. Qua thời gian dài khảo sát thực tế trên địa bàn huyện, cuối cùng tôi cùng một người bạn nữa mới quyết định chọn khu vực cửa sông Cái Mắm, Thoi Dây hoang vắng này để lập nghiệp…”.
Khu nuôi cá lồng, bè của gia đình anh Hoàng Văn Liêm (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà).
Những ngày đầu, gia đình ông Thịnh chỉ đầu tư hơn 60 triệu đồng làm 6 ô lồng, bè để nuôi thử nghiệm các loại cá nước mặn với mỗi ô khoảng từ 400 – 500 con. Dựa vào những lợi thế về địa hình, nguồn nước cộng với kinh nghiệm sẵn có từ trước, lứa nuôi đầu tiên và nhiều vụ tiếp sau đó, gia đình ông Thịnh đều thắng to khi sản lượng thu hoạch đạt năng suất cao, giá trị kinh tế lớn. Thời điểm ấy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn thu về bình quân từ 50 – 60 triệu đồng/lần xuất bán. Từ thành công ban đầu, những năm tiếp theo, ông Thịnh tập trung đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã có 30 ô lồng, bè, mỗi ô có diện tích 12 m2 và chiều sâu 4m. Hiện nay mô hình nuôi cá lồng, bè này đã mang lại cho gia đình ông thu nhập bình quân 200 – 300 triệu đồng/năm.
Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng bè của gia đình ông Thịnh, không ít người dân trên địa bàn huyện đã đưa cả gia đình ra vùng cửa sông Cái Mắm, Thoi Dây làm ăn, sinh sống… Thoi Dây dần trở nên đông đúc, trở thành một làng nuôi trồng thuỷ sản. Từ cuối năm 2002 đến nay làng đã có gần 20 hộ gia đình, với hơn 300 ô lồng, bè. Trong đó, người dân nuôi chủ yếu là các loại cá nước mặn, như: Cá song chấm, cá song hoa, cá vược, cá hồng đỏ, cá sủ sao… Đến thăm nhà anh Hoàng Văn Liêm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi của gia đình anh. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, lại mới chỉ bắt đầu chuyển ra khu cửa sông này từ cuối năm 2011, nhưng hiện tại gia đình anh có đến hơn 20 ô lồng, bè với sản lượng bình quân hàng năm lên tới hàng tấn cá các loại. Vừa tỉ mẩn cho cá ăn, anh Liêm vừa cho hay: “Đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản, địa hình, địa thế và nguồn nước là 3 yếu tố quan trọng hàng đầu. Vùng cửa sông này đã hội đủ những yếu tố này, vừa kín gió, kín bão, hàm lượng nước ngọt bổ sung lại cao, nên việc nuôi trồng ít gặp rủi ro về thời tiết. Do đó, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất cao…”. Cũng theo anh Liêm cho biết, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, hầu hết các gia đình đều nuôi theo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn dưới sự quản lý chặt chẽ cả khâu đầu vào lẫn đầu ra. Theo đó, con giống được sử dụng là loại giống tự nhiên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm dịch kỹ trước khi xuống giống. Ngoài ra, thức ăn cũng chỉ sử dụng nguồn cá khai thác tự nhiên. Nhờ vậy, sản phẩm sản xuất ra luôn đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Dù sản lượng hằng năm của các hộ gia đình trong vùng đều đạt từ 50 – 60 tấn, nhưng nguồn cung này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường. Hiện tại, cá song hoa (loại từ 1 – 1,5kg/con) có giá 250.000 – 270.000 đồng/kg, cá vược (từ 1,5 – 2,5kg/con) có giá 160.000 đồng/kg, cá hồng đỏ (từ 1 – 1,7kg/con) có giá 145.000 đồng/kg, cá sủ sao (1 – 2,5kg/con) có giá 100.000 đồng/kg…
Hiện nay ông Tô Phúc Thịnh cùng 8 hộ gia đình khác đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Thương mại dịch vụ NTTS Đức Thịnh. Ngay sau khi thành lập, HTX đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Hà lập hồ sơ triển khai dự án chứng nhận vùng nuôi thuỷ sản an toàn và công nhận nhãn hiệu sản phẩm cho vùng NTTS thuộc khu vực Cái Mắm – Thoi Dây. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ HTX xây dựng vùng NTTS an toàn trên diện tích 300ha (trong đó có 45ha nuôi bè) với tổng kinh phí thực hiện là 450 triệu đồng. “- Đây là cơ hội cho HTX để từng bước phát triển nghề NTTS theo hướng tập trung. Cùng với đó, việc tạo lập, quản lý và chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm sẽ góp phần ổn định việc tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi; đồng thời giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường” – Ông Tô Phúc Thịnh, Chủ nhiệm HTX Thương mại dịch vụ NTTS Đức Thịnh khẳng định.