Mùa hoa quả chín thì ai cũng mong, chứ “mùa tôm chín” thì chẳng ai đợi chờ. Ấy thế nhưng, dù không mong đợi, “mùa tôm chín” lại “vẫn về” với Tiên Yên.
Dân đói, cò no
Chúng tôi đi cùng anh cán bộ văn phòng UBND xã Hải Lạng, thăm một số hộ nuôi tôm bị mắc bệnh, mất trắng. Trên con đường bê tông đâm thẳng ra khu Hà Dong, nơi đây có những đầm nuôi tôm nằm san sát, nối dài ra tận biển. Những guồng máy với đủ màu sắc nằm chỏng chơ ở góc, mặt ao lăn tăn những con sóng càng làm cho không khí nơi đây thêm phần ảm đạm. Từ đường bê tông rẽ xuống con đường đất bám vào một vạt đồi, nền đất keo quánh bởi mưa như muốn dính chặt chiếc xe máy của tôi lại, hai bên đường là những bông lau phơ phất theo gió, đi chừng gần một cây số chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Đình Bạo ở thôn Trường Tùng – một trong những hộ nuôi tôm lớn ở đây mà vụ này bị mất trắng. Anh cho biết: “Vụ này đau quá chú à! Toàn bộ 6 ha tôm của tôi mất trắng, toàn làm thức ăn cho cò”. Nói đến đây người đàn ông rơm rớm nước mắt, trên khuôn mặt khắc khổ nhìn anh già hơn nhiều so với cái tuổi 45 của mình. Tôi thấy lạ hỏi anh sao tôm lại làm mồi cho cò. Anh nói rằng: “Toàn bộ tôm chết nổi lên đỏ ửng cả ao, lũ cò thì thính lắm, nó thấy tôm chết là tối nào cũng kéo đến để ăn tôm”.
Tôm chết được anh Nguyễn Đình Bạo thu từ ao nuôi của gia đình.
Để chứng minh lời mình nói, anh Bạo đưa tôi đi thăm một vòng quanh ao, vừa đi vừa trò chuyện, được biết khu đầm này khi xưa là khu vực hoang vắng, sú mọc um tùm, sau đó anh xin địa phương khai hoang để nuôi trồng thủy sản. Anh Bạo tâm sự: Trước năm 2010 thì nuôi tôm còn tốt, khu ao này mình chỉ nuôi tôm sú thôi chứ không nuôi gì khác, vào lúc đó, mỗi năm có 5 tấn tôm, nhưng từ 2010 trở lại đây năm nào cũng bị bệnh. Vụ này nhà tôi thả trên 60 vạn con tôm giống chất lượng cao, có nguồn gốc giống rõ ràng, nuôi được hơn 50 ngày thì thấy có hiện tượng tôm chết nổi lên. Lúc đó tôm quá nhỏ không thể vớt vát được.
Đi với anh tới tận giữa đầm trên chiếc thuyền gỗ, tôi quan sát dưới ao là những đám tảo nổi lềnh bềnh, nằm trên là những con tôm đỏ au đã rữa ra. Anh Bạo nói mấy hôm nọ thì đỏ cả ao lũ cò đến xơi sạch rồi, bây giờ ít đi đấy, anh Bạo chỉ cho tôi, chú nhìn kìa, bờ ao toàn là phân cò. Kinh nghiệm của anh là cứ cò đến y rằng có tôm chết, cái lũ cò nó thính “như mõ”. Anh Bạo chia sẻ, nếu vụ này mà được thì có lẽ trúng tiền tỷ, nhưng hơn 3 năm nay, chẳng vụ nào được cả, bây giờ nợ ngân hàng vẫn còn vài trăm triệu đồng. Người ta cứ bảo nuôi tôm là dễ, là giàu, chú nhìn anh đấy, nợ chồng nợ chất, vụ này thì mất hết rồi. Lượn quanh một vòng, anh đưa tôi vào bờ, trời đã bắt đầu xẩm tối, ánh nắng mặt trời nhạt dần, nhìn đằng xa những đàn cò đang lượn lờ bay, anh Bạo nói rằng, lũ cò lại đến nhặt tôm đấy.
Tại sao tái diễn “điệp khúc mất mùa”?
Không chỉ riêng anh Bạo, mà nhiều hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh và công nghiệp ở Hải Lạng, Đông Ngũ, hai địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất Tiên Yên đều chung tình trạng như vậy. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Quý Pha ở thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng, nhìn anh với khuôn mặt nhăn nhó, ngồi nhìn ra bờ ao, vừa nói vừa chỉ ra ao: Chú nhìn xem, ao của anh đấy! được xây dựng đầu tư thế này mà tôm vẫn chết. Qua câu chuyện được biết anh Pha nuôi 2ha tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp, ao đầm xây dựng kiên cố với 5 ô, trong đó có 3 ô nuôi còn 2 ô để xử lý nước thải và nước dự trữ, với mức đầu tư gần 2 tỷ đồng. Anh Pha chia sẻ thêm: Đây là vụ đầu tiên tôi nuôi thí điểm tôm thẻ chân trắng, mặc dù việc xử lý và nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, khi nuôi được khoảng 50 ngày thì thấy tôm có hiện tượng lờ đờ, tôi xuống mò dưới đáy thì tôm đã bắt đầu chết, may là lúc đó tôm đã có thể bán non được nên tôi với vát được phần nào, không thì mất trắng.
Để tìm lời giải cho câu hỏi vì sao tôm chết, chúng tôi đến gặp ông Hoàng Văn Quang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên. Ông Quang cho biết: Rút kinh nghiệm mấy vụ tôm bị dịch bệnh chết gần đây, năm nay huyện trực tiếp chỉ đạo theo dõi sát sao, đặc biệt là vấn đề con giống, tới 95% là tôm có xuất xứ rõ ràng, phòng kiểm tra xét nghiệm thường xuyên nên việc con giống không có vấn đề gì cả. Ông Quang đánh giá nguyên nhân tôm bị dịch bệnh là do môi trường, đặc biệt là nguồn nước ở những ao thường xuyên lấy nước ra vào, còn ao đóng chặt cống thì không bị. Mặt khác yếu tố thời tiết cũng là một phần nguyên nhân làm cho tôm bị chết. Năm nay nhiều đợt nóng kéo dài, trong khi đó người dân lại duy trì mực nước thấp, làm tăng nhiệt độ trong ao, nhiều đợt mưa thất thường làm thay đổi nguồn nước đột ngột gây bệnh cho tôm…
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, trong vụ tôm năm nay, toàn huyện có 116 hộ bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy với diện tích 307ha, tập trung chủ yếu ở xã Hải Lạng với 110 hộ, Đông Ngũ 6 hộ. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Quang, thì phải quy hoạch lại việc phát triển kinh tế thủy sản của toàn huyện, có những phân khu rõ ràng, như ở những khu vực chuyên nuôi trồng ở những địa phương có thế mạnh, như: Đồng Rui, Đông Ngũ, Hải Lạng… Biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch bệnh hiện nay là người dân phải tuân thủ đúng theo yêu cầu kỹ thuật trong việc nuôi tôm. Ngoài ra, đề nghị Sở NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kiểm tra việc quan trắc môi trường nguồn nước vào định kỳ hàng tháng, để phòng ngừa dịch bệnh.
Thay lời kết
Trên đường trở về, anh cán bộ UBND xã nói rằng, mùa tôm này mọi người nơi đây nhìn thấy nhau chẳng thèm chào nữa, vì ai cũng biết, không thể gượng cười nổi mà đáp lại. “Mùa tôm chín” năm nào cũng “về” theo cách không ai mong muốn. Trong khi đó lời giải cho bài toán này vẫn bị bỏ ngỏ. Họ đành bảo nhau, chỉ còn ngồi mà hy vọng rằng những mùa tôm buồn sẽ không tái diễn…