Huyện Tiên Yên có 35km bờ biển chạy dọc theo 5 xã trong đó có khoảng 5.000ha bãi triều và 3.000ha rừng ngập mặn, rất phù hợp với phát triển kinh tế nuôi trồng thuỷ sản.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc nuôi trồng thuỷ sản của huyện mà chủ yếu là các hộ nuôi tôm theo phương pháp quảng canh, đã gặp nhiều khó khăn, năm được, năm mất. Năm 2010 sản lượng tôm của toàn huyện đạt 272 tấn, năm 2011 giảm xuống còn 240 tấn, năm 2012 còn 67,2 tấn. Nguyên nhân dẫn đến sản lượng tôm giảm dần là do con giống chưa tốt, dịch bệnh, do ao hồ không được vệ sinh sạch sẽ sau khi thu hoạch… Trước thực tế như vậy, huyện chủ trương tìm ra hướng đi khác cho nghề nuôi tôm ở Tiên Yên, như thay đổi nuôi quảng canh đã kéo dài nhiều năm…
Thu hoạch vụ tôm năm 2013 ở xã Đông Ngũ (Tiên Yên).
Từ tháng 10/2012, UBND huyện Tiên Yên đã có các Quyết định số 1940 và 1941 phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình lưới điện khu nuôi trồng hải sản ở khu vực xã Hải Lạng và xã Đông Ngũ huyện Tiên Yên. Trong đó Dự án Xây dựng điện lưới ở xã Hải Lạng bao gồm Khu nuôi trồng hải sản thôn Hà Dong đường dây 35kV và Khu nuôi trồng thuỷ sản thôn Bình Minh có chiều dài 3,895km, cùng với Khu nuôi trồng thuỷ sản thôn Đồi Mây có chiều dài 1,408km với tổng đầu tư hơn 8,8 tỷ đồng. Dự án đưa điện ra khu nuôi trồng hải sản xã Đông Ngũ với đường dây 35kV chiều dài 2,8km với tổng đầu tư gần 4,6 tỷ đồng. Hiện các dự án này đã cơ bản hoàn thành đem lại niềm vui đến hầu hết các hộ nuôi tôm ở các xã Đông Ngũ và Hải Lạng. Năm 2013, trong “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2020” của UBND huyện đã vạch ra hướng đi mới cho các xã nuôi trồng thuỷ sản chuyển đổi theo phương pháp công nghiệp áp dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất. Hướng đi này được thực hiện trên diện tích gần 700ha bãi nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện với khoảng 80 triệu con giống (chủ yếu là tôm) được nuôi thả. Kết quả, tổng sản lượng thuỷ sản toàn huyện năm 2013 đạt hơn 400 tấn, trị giá gần 70 tỷ đồng. Trong số này đa phần từ thành công của các hộ nuôi tôm, hiện tại toàn huyện có 343 hộ nuôi tôm/364 hộ nuôi trồng thuỷ sản. Tuy đã đạt được kết quả khả quan, nhưng số diện tích bãi triều được áp dụng phương pháp nuôi trồng thuỷ sản mới cũng chỉ là con số nhỏ so với tổng số khoảng 5.000ha bãi triều toàn huyện. Vậy, để thực hiện việc nuôi trồng công nghiệp trên toàn bộ hoặc phần lớn diện tích này, cũng buộc huyện Tiên Yên phải có sự cố gắng vượt bậc.
Người nuôi tôm xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) sửa sang ao đầm chuẩn bị cho vụ tôm mới nuôi theo phương pháp công nghiệp.
Đông Ngũ là xã đạt nhiều thành công từ việc thực hiện hướng đi mới này, vụ tôm năm 2013, các hộ nuôi tôm ở xã đã thả 128 vạn con tôm thẻ trắng trên diện tích 23ha ao đầm. Nhờ áp dụng hiệu quả phương pháp nuôi công nghiệp mà toàn xã đã thu được khoảng 50 tấn tôm với giá giao tại đầm khoảng 140.000 đồng/kg. Anh Đặng Anh Tuấn, thôn Xán Xế Nam, xã Đông Ngũ là người có 4 năm trong nghề nuôi tôm với 2ha ao đầm, cho hay: Từ khi anh bắt tay vào nuôi tôm đến nay chưa năm nào bị thất thu. Nhưng cũng không dám chắc là ổn định, chưa nói là thu nhập cao, vì nguồn điện các hộ nuôi tự kéo ra đây nhập nhèm, điện yếu đã gây thất thu mùa tôm. Khi có điện lưới kéo ra tận ao đầm, việc làm ăn sẽ tốt hơn rất nhiều như chạy máy tạo ô xi cho nước, xay trộn thức ăn cho tôm thực hiện được luôn tại đồng tôm. Việc vệ sinh ao đầm khi có điện lưới cũng thuận lợi hơn.
Theo ông Vũ Nhật Quang, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Ngũ: Việc đưa điện lưới ra vùng nuôi tôm đã tạo thuận lợi cho xã trong việc phát triển kinh tế, giảm tải việc các hộ nuôi tôm kéo điện từ khu dân cư gây quá tải cho điện sinh hoạt, trong khi bản thân trạm biến áp ở khu dân cư cũng đã quá cũ. Mặt khác khi có điện lưới xã cũng có điều kiện hơn để tăng diện tích ao đầm và tăng thêm số hộ nuôi so với hiện tại, đẩy mạnh hơn việc phát triển kinh tế của địa phương. Còn ông Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện thì nhấn mạnh: “Từ một số kết quả bước đầu đã thành công này, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch, xây dựng đề án chuyển đổi phương thức, đối tượng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ sang nuôi công nghiệp tại các xã ven biển còn lại, như thế đảm bảo cho nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn được phát triển bền vững”.