Quảng Trị: Chú trọng khuyến ngư miền núi

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo thống kê của Trạm khuyến nông – khuyến ngư huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), hiện, trên địa bàn huyện có hơn 90 ha diện tích ao hồ đang được khai thác để nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt. Ngoài ra còn hàng trăm héc ta diện tích mặt nước có thể đưa vào nuôi trồng các loại thủy sản vẫn chưa sử dụng.

Những năm trước đây ở các xã, thị trấn dọc đường 9 như Tân Hợp, Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập… phong trào nuôi các loại như cá trắm, chép, mè… mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giải quyết được phần nào nhu cầu sử dụng cá nước ngọt của người dân trên địa bàn, giúp cho không ít hộ dân thoát nghèo. Nhưng sau một thời gian do việc thả nuôi thiếu quy trình kỹ thuật, chất lượng giống chưa bảo đảm nên dịch bệnh lan rộng làm cho nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn.

Nuôi thủy sản đang phát huy thế mạnh tại huyện Hướng Hóa

Khi phong trào nuôi các loài cá truyền thống đang lên cao, tận dụng nguồn nước dọc khe suối, ông Nguyễn Lợi, thôn Tân Xuyên (xã Tân Hợp) đã đầu tư vốn đào 4 hồ cá với diện tích mặt nước gần 1.000 m2, chủ yếu nuôi các giống cá trắm cỏ kết hợp với cá rô, cá tràu, cá chép… Thấy hiệu quả, ông Lợi đã đầu tư đào thêm 2 hồ nữa nhưng sau mấy vụ đầu thành công thì bắt đầu xuất hiện bệnh đốm đỏ ở cá trắm làm cá chết hàng loạt khi đã sinh trưởng được 1,5 đến 2 tháng. Mặc dù ông đã liên hệ với các cán bộ khuyến ngư để được tư vấn, rồi tích cực xử lý ao hồ bằng các phương pháp truyền thống kết hợp phun thuốc, rải vôi khử trùng nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Từ giai đoạn hưng thịnh nhất với gần 1.000 m² ao hồ, nay ông chỉ nuôi cầm chừng trên diện tích chưa đến 400 m² mặc dù nguồn thức ăn tự nhiên vẫn còn dồi dào, đầu ra cho các loại cá trắm, rô phi vẫn có.

Nhận biết việc phát triển thủy sản trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, huyện đã tích cực vận động người dân cải tạo diện tích có sẵn đồng thời khuyến khích việc mở rộng thêm diện tích ao hồ, xây dựng một số mô hình nuôi cá nước ngọt thí điểm bằng hình thức hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ 100% con giống, 40% tiền thức ăn cho người dân.

Ông Hoàng Công Chẩu, Trạm trưởng Trạm khuyến nông – khuyến ngư Hướng Hóa cho hay, tập quán thả nuôi, đặc biệt là người dân các xã vùng sâu vùng xa vẫn còn lạc hậu, nguồn thức ăn cho các loại cá vẫn dựa chủ yếu vào các nguồn tự nhiên như cỏ, lá cây… thức ăn công nghiệp chỉ được sử dụng một phần hạn chế dẫn đến sản lượng, năng suất chưa cao. Còn đầu ra thì chưa thể cạnh tranh với các loại cá biển, cá sông đưa từ đồng bằng lên.

Theo ông Chẩu thì người dân vẫn còn tình trạng “thả cá” chứ chưa thực sự “nuôi cá” theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ khuyến ngư vẫn còn phải “cầm tay chỉ việc” là chủ yếu; vốn dành cho công tác khuyến ngư của huyện vẫn còn eo hẹp (20 triệu đồng/năm), tâm lý người dân vẫn chưa mặn mà lắm trong việc nuôi trồng thủy sản do hiệu quả kinh tế thường không bằng trồng các loại cây công nghiệp như sắn, chuối, cà phê… Rồi việc tìm nguồn giống bảo đảm chất lượng cũng rất khó khăn, chủ yếu phải về các trại giống ở đồng bằng đặt mua. “Tất cả những yếu tố trên chúng tôi đã nhận ra nhưng để giải quyết thì không hề dễ bởi liên quan đến nhiều cấp, ngành”, ông Chẩu nói.

Rõ ràng, có tiềm năng nhưng nếu làm tốt được công tác khuyến ngư khu vực miền núi thì sẽ góp phần góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh Quảng Trị.    

Thanh Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!