Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, trong năm 2018 sẽ dành trên 210 tỷ đồng vốn tín dụng cho người dân ở vùng bãi ngang, ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế.
Mô hình nuôi cá trong lồng của anh Lê Văn Công, khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vay vốn. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN
Theo đó, tổng số vốn tín dụng này sẽ được giải ngân cho người dân ở các xã, thị trấn bãi ngang, ven biển thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã và đang phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết về việc được vay vốn tín dụng để khắc phục sự cố môi trường biển.
Theo thống kê, tỉnh có trên 12.800 người dân được vay vốn tín dụng với các gói vay. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn có mức vay 50 triệu đồng/hộ, lãi suất 9%/năm; xuất khẩu lao động, học sinh và sinh viên được vay 100% chi phí đối với các đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, lãi suất 6,6%/năm; 7,92%/năm đối với hộ cận nghèo, nghèo; 8,25%/năm đối với hộ mới thoát nghèo…
Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị với Trung ương bố trí nguồn vốn giải quyết việc làm, giải quyết sinh kế cho các hộ dân được vay với lãi suất hộ nghèo, mở rộng đối tượng được vay vốn xuất khẩu lao động. Điều đáng nói là hầu hết các hộ dân ở vùng bãi ngang, ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển có hoàn cảnh khó khăn nên việc tạo điều kiện cho người dân được vay vốn là cần thiết để người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Ông Phan Văn Pháp, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua tất cả các hộ là ngư dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh được vay vốn tín dụng đều làm ăn có hiệu quả và nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề.
Trong 2 năm 2016 và 2017, người dân Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã được vay trên 236 tỷ đồng vốn tín dụng để chuyển đổi sinh kế, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh. Sau sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4 đầu tháng 5/2016, tỉnh Quảng Trị cũng đã tập trung hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân thông qua xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở 16 xã, thị trấn ven biển. Cụ thể các huyện Vĩnh Linh có 18 mô hình, Gio Linh (27), Triệu Phong (17) và Hải Lăng 15 mô hình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, các mô hình này đang mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó khuyến khích người dân vùng biển nhân rộng để ổn định sinh kế lâu dài. Nghề khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản ở Quảng Trị cũng đang hồi sinh mạnh mẽ. Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản đạt gần 24.000 tấn, tăng trên 8.240 tấn so với năm 2016; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 7.800 tấn, tăng 10% so với năm 2016. Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.800 tàu cá; trong đó có gần 190 tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ. Tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển ngay trong tháng 1/2018.