Tháng 11/2019, tỉnh Quảng Trị đã khai thác được gần 26.000 tấn thủy sản, tăng trên 12% so cùng kỳ năm 2018 và đạt 107% kế hoạch. Sản lượng khai thác tăng mạnh là nhờ các chính sách của nhà nước hỗ trợ ngư dân bám biển phát huy hiệu quả. Ngoài ra, thời tiết thuận lợi giúp ngư dân vươn khơi thường xuyên.
Hỗ trợ ngư dân khai thác
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, như Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa và Nghị định 67/NĐ-CP, Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Cụ thể, tổng mức đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP đạt trên 550 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được hơn 430 tỷ đồng. Đã có 25/32 tàu cá đóng mới hoàn thiện gồm 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite và đưa vào hoạt động có hiệu quả; UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho 118 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn nâng cấp tàu cá công suất lớn, trong đó đã có 93 tàu cá tiến hành nâng cấp và đánh bắt có hiệu quả; góp phần nâng cao đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh. Đối với thực hiện Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng tiền nhiên liệu, nâng cấp trang thiết bị… cho các tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ. Chỉ tính riêng năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ trên 37 tỷ đồng cho 461 chuyến biển xa bờ; dành gần 17 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua các loại bảo hiểm, chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu cá, chi phí đào tạo kỹ thuật vận hành tàu cá đóng bằng vật liệu mới, kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản, chi phí duy tu và sửa chữa tàu cá… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ thành lập được trên 110 tổ, đội sản xuất trên biển với hơn 2.600 ngư dân tham gia. Mô hình này đã giúp ngư dân yên tâm vươn khơi khai thác hải sản, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau hiệu quả hơn.
Sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Trị tăng mạnh
Để hỗ trợ ngư dân, Chi cục Thủy sản Quảng Trị cũng tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017; các nội dung theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tường Chính phủ về chống đánh bắt IUU; các quy định về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo đảm an toàn cho người, tàu cá khi hoạt động trên biển. Khuyến khích chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox… Ứng dụng các tiến bộ khoa học trên tàu cá như máy tời thủy lực, đèn led; trang bị máy dò ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa…, mở rộng ngư trường khai thác xuống các vùng biển xa và biển phía Nam. Khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động, đồng thời, giúp ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng có liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra về khai thác hải sản trên biển; kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định và xử lý tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Phát triển kinh tế biển
Là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh, toàn huyện Gio Linh có 939 tàu, thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ, tổng công suất 78.914 CV, trong đó có 169 tàu xa bờ; năm 2018, sản lượng thủy sản đánh bắt toàn huyện đạt gần 12.500 tấn. Toàn bộ các tàu cá xa bờ đều được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS), có 37 tàu xa bờ chuyển đổi công nghệ đèn cao áp sang đèn led để tiết kiệm nhiên liệu, giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, theo kế hoạch, năm 2019, Gio Linh dự kiến sẽ khai thác 14.000 tấn thủy, hải sản. Từ đầu năm 2019 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư trường ổn định, nguồn thủy, hải sản rất phong phú nên bà con ngư dân trong huyện đã đẩy mạnh khai thác đạt sản lượng và giá trị cao. Theo thống kê, đến thời điểm này sản lượng khai thác thủy sản đã đạt 88,6% kế hoạch đề ra. Để hỗ trợ ngư dân, UBND huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên bà con ngư dân huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, tăng năng lực đánh bắt của tàu xa bờ; mua sắm thêm lưới nghề và các phương tiện phục vụ đánh bắt, thông tin liên lạc. Chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới, tranh thủ thời gian thuận lợi trong năm để vừa khai thác vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Về việc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, toàn huyện Gio Linh có 21 tàu xa bờ được đóng mới, 86 tàu được nâng cấp với tổng kinh phí trên 449 tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện Nghị định 67 đã hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất 400 CV trở lên với tổng số 109 tàu, có khả năng thích ứng cao với các ngư trường truyền thống, đáp ứng yêu cầu mở rộng ngư trường mới, xa bờ và chuyển đổi ngành nghề khai thác theo hướng nâng cao sản lượng các sản phẩm có giá trị cao, có lợi thế xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện có 939 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ với tổng công suất 80.747 CV, trong đó tàu xa bờ 169 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 ước đạt 13.891 tấn, tăng 1.431,6 tấn so năm 2018.
Ngư dân Hồ Văn Hoàn (ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh) là một trong 17 ngư dân nhận được vốn vay từ Nghị định 67 để đóng tàu vỏ thép khẳng định: “Được ra khơi trên con tàu hiện đại, trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ đánh bắt đã phần nào giúp chúng tôi yên tâm hoạt động trên biển. Chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép thực sự đã giúp việc đánh bắt thuận lợi và dễ dàng hơn”.
>> Đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho biết, chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 đã mang lại hiệu quả, tạo được sự đột phá trong khai thác hải sản, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tuy nhiên, một số tàu cá hoạt động chưa hiệu quả, theo đó, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu giúp bà con chuyển đổi ngư trường, chuyển nghề cho phù hợp; nghiên cứu có chính sách, cơ chế cho vay, tính lãi, thời gian trả nợ cho phù hợp để giúp bà con ngư dân giảm áp lực. |