(TSVN) – Những năm gần đây, nhiều tàu cá Quảng Trị đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho đánh bắt, đặc biệt là đội tàu khai thác xa bờ. Trong đó, công nghệ hầm bảo quản CPF được ngư dân quan tâm đầu tư đã bước đầu mang lại hiệu quả, tăng chất lượng hải sản, giảm chi phí chuyến biển nhờ giảm được hao hụt đá, đồng thời giúp kéo dài thời gian ra khơi.
Đến đầu năm 2023, tổng số tàu cá toàn tỉnh Quảng Trị là 2.128 chiếc, với tổng công suất 137.261 CV. Số tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên là 526 chiếc, trong đó tàu cá trên 24 m là 23 chiếc, tàu từ 15 đến 24 m là 171 chiếc. Huyện Gio Linh là địa phương sở hữu đội tàu cá có công suất lớn đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh.
Mô hình ứng dụng công nghệ CPF trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TTKNQT
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng phát triển nghề khai thác hải sản tại địa phương đầu tư chưa đồng bộ, xuống cấp, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển nhiều và ngư dân chưa chú trọng khâu bảo quản sản phẩm. Dẫn đến thất thoát sản phẩm, chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm làm giảm lợi nhuận, tăng chi phí do các hầm bảo quản đã xuống cấp, độ bảo quản lạnh kém.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ CPF (Composite Polyurethane Foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ”, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế (đơn vị chủ trì Dự án) tiến hành triển khai mô hình trong các năm 2021, 2022 tại thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt, huyện Gio Linh. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện mô hình tại xã Gio Việt.
Tham gia mô hình, ông Trương Thanh Định, chủ tàu QT 99001 TS ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ 50% kinh phí vật liệu thi công hầm, ngư dân đối ứng 50% kinh phí còn lại. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho 20 ngư dân về kỹ thuật quy trình bảo quản sản phẩm trước khi xây dựng mô hình hầm bảo quản bằng công nghệ CPF, giúp họ nắm bắt được tác dụng của hầm sử dụng bằng vật liệu PU, vật liệu Composite, ưu điểm của hầm PU, phương pháp xử lý vệ sinh hầm…
Vật liệu làm hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác đạt các tiêu chí như: Độ dẫn nhiệt thấp, hấp thụ nước thấp (không thấm nước càng tốt); trọng lượng riêng nhỏ, không bắt lửa; đảm bảo độ bền cơ học, chịu tác động của rung lắc, chấn động, chịu nén tốt; không gây độc hại cho sản phẩm được bảo quản. Yêu cầu quan trọng khi bảo quản là làm lạnh nhanh khi vừa đánh bắt, giữ lạnh, duy trì tốt điều kiện vệ sinh trên boong tàu, khu vực xử lý và hầm bảo quản.
Qua so sánh giữa phương pháp bảo quản và sử dụng hầm bảo quản truyền thống với phương pháp sử dụng hầm bảo quản PU thì phương pháp mới đảm bảo được độ lạnh trải đều trong hầm, không bị tăng nhiệt cục bộ, chất lượng cá được đảm bảo trong khoảng thời gian bám biển. Hầm bảo quản mới được thi công sạch sẽ, dễ dàng vệ sinh nên sản phẩm đánh bắt được đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Theo thực tế ở các chuyến biển của ngư dân, việc trang bị hầm bảo quản mới kéo dài thời gian đánh bắt hơn, nhưng lượng đá hao hụt trong toàn chuyến giảm đáng kể, giảm chi phí chuyến biển nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thịt cá đánh bắt được. Cùng với đó, vật liệu làm hầm bảo quản mới làm tăng độ cứng cho tàu, chống được các va đập mạnh từ sóng, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Với công nghệ mới này chủ tàu có thể tăng thời gian bám biển, hạ giá thành sản phẩm khai thác hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây, góp phần thúc đẩy phát triển nghề khai thác xa bờ, bảo vệ an ninh trên biển.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đánh giá, qua 3 năm (2021 – 2023) triển khai thực hiện Dự án, mô hình được đánh giá có hiệu quả tốt, rất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, khả năng ứng dụng rộng rãi và rất được ngư dân hưởng ứng.
Hầm bảo quản sản phẩm sử dụng vật liệu cách nhiệt PU có nhiều ưu điểm hơn so với hầm bảo quản truyền thống và tiết kiệm được 20 – 30% lượng đá hao hụt, kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng chất lượng hải sản sau khai thác, tăng giá trị sản phẩm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với các tàu cá khác không ứng dụng công nghệ xây dựng hầm bảo quản mới. Lợi nhuận được tăng lên từ 15 – 20% so với trước khi tiến hành cải hoán hầm tàu. Bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế khi giảm chi phí trong mỗi chuyến biển, chất lượng sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.
>> Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị chia sẻ, để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, cần có chính sách giúp ngư dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư nâng cấp và làm mới hầm bảo quản bằng vật liệu mới cho các tàu dịch vụ, tàu khai thác xa bờ, góp phần giảm chi phí bảo quản cho các chuyến đi biển và nâng cao đời sống cho ngư dân. Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, nhân rộng mô hình nhiều hơn nữa trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngọc Diệp