Đã có thời, nơi đây được coi là làng của người giàu; nhà nào cũng có xe Honda Cub, xe Dream, tivi, tủ lạnh, ruộng đất mênh mông, nhờ “trúng” cá giống. Còn nay, nhiều gia đình bị phá sản, hết vốn, phải đi làm thuê, tài sản mất dần, đất đai đổi chủ…
Thời vàng son
An Hòa Xương là một xã của huyện Phú Châu cũ. Nay xã được chia tách thành 4 đơn vị hành chính gồm Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Tân An, Phú Lộc (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Đây là xã đầu nguồn nên ngư dân sớm biết tận dụng lợi thế để hình thành nghề ương nuôi cá basa giống, nay còn gọi là cá tra, basa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, làng sản xuất cá tra giống An Hòa Xương là làng nghề độc nhất miền Tây, có quy mô lớn, sản xuất ra con giống khỏe nổi tiếng trong vùng.
Ông Trần Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Cá giống Hoàn Thành (thị xã Tân Châu) cho biết, nghề ương nuôi cá basa giống được hình thành cách đây khoảng 50 năm. Khi đó, ngư dân trong làng đã biết đặt đáy mùn để vớt cá bột ngoài thiên nhiên về ương lên thành cá giống rồi bán cho thương lái mang đi khắp vùng. Do con giống khỏe, khi thả vào hầm tỷ lệ sống rất cao, tần suất bệnh thấp, sản xuất với quy mô lớn, thời gian giao hàng ngắn, phương thức thanh toán linh hoạt nên người nuôi cá thịt trong vùng rất ưa chuộng. “Xưa ở làng này nhà nào cũng tham gia sản xuất con giống. Người thì chuyên đặt đáy vớt cá bột, người thì đi câu cá con rồi bán lại cho người có bè nuôi thành cá giống, người thì mang cá giống đi khắp các tỉnh ĐBSCL tiêu thụ… Mỗi sáng sớm, tiếng gõ lóc cóc gọi cá lên ăn mồi vang rền khắp nơi, vui lắm” – Ông Đoàn Tấn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Cá giống Thuận Thành, nhớ lại.
Sản xuất cá tra giống ở thị xã Tân Châu – An Giang đã giảm đáng kể
Năm 2006 – 2007 là thời vàng son của làng cá giống nơi đây. Sản lượng nuôi cá tra thịt cả vùng ĐBSCL 1,2 triệu tấn/năm, vì vậy cần lượng lớn con giống. Dân trong làng làm nghề giống ai cũng giàu, gia đình ông Ba Hoàng và những hội viên Chi hội Cá giống Hoàn Thành là một điển hình. Bình quân mỗi năm, ông Ba Hoàng sản xuất ra 500 triệu con cá bột, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Ngoài ra, vùng này còn có trại giống của anh Đoàn Thanh Hải, anh Đoàn Tấn Thành, mỗi trại sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ con cá bột. Trúng cá giống, nhà nhà đều trang bị cho mình đầy đủ phương tiện sống như tivi, tủ lạnh, xe máy, mua đất làm vườn, trồng lúa; làng xóm nhộn nhịp suốt ngày.
Bi kịch
Về lại làng cá giống An Hòa Xương bây giờ, không khí buồn tẻ bao trùm khắp xóm, tiếng gõ lóc cóc mỗi sáng sớm gọi cá lên ăn mồi thưa dần, làng quê không còn nhộn nhịp nữa. Người nuôi cá giống bị lỗ liên tục nhiều năm nên phá sản. Giấy tờ nhà đất, ruộng vườn nằm hết trong ngân hàng, tài sản trong nhà cũng lần lượt “đội nón” ra đi. Có hộ con cái đang học hành, không tiền đóng học phí, cha mẹ đành cho con cùng theo lên Bình Dương làm mướn, hoặc lên Sài Gòn làm gì đó kiếm miếng ăn qua ngày. Ai không ly hương cũng tìm nghề khác để sinh sống.
Ông Lê Trung Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang cho biết, trong số 84 hội viên nuôi cá giống của 3 chi hội Hoàng Thành, Thuận Thành và Thuận Lợi, nay chỉ còn 16 hội viên nuôi cầm chừng, số còn lại không còn khả năng tái sản xuất. Thời thịnh vượng, con giống kích cỡ 10 – 12 con/kg, giá 50.000 – 55.000 đồng/kg; giá thức ăn 150.000 đồng loại 25 kg/bao. Nay giá cá giống có lúc xuống chỉ còn 16.000 đồng/kg; trong khi giá thức ăn 345.000 đồng/bao. Vậy thì làm sao không phá sản!
Nhiều người cho rằng do nuôi cá thịt bị lỗ, ngư dân phá sản hàng loạt khiến hộ nuôi cá giống bị lỗ theo. Ngư dân ở đây đang trông chờ sự sắp xếp lại trật tự của Nhà nước nói chung và hiệp hội ngành nghề nói riêng, để làng nuôi cá giống này sớm được khôi phục.
>> “Con giống ở đây được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, khi thả nuôi tỷ lệ sống rất cao. Làng nghề này đã góp phần đào tạo ra hàng chục tiến sĩ chuyên ngành cá tra. Từ nuôi cá giống đã có hàng trăm cặp đôi nên vợ nên chồng” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp cho biết. |