Quy định vận chuyển gắt gao, người nuôi thủy sản gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Người nuôi thủy sản tại nhiều tỉnh, thành trong đó có tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn bủa vây trong đó, nhất là việc lưu thông hàng hóa đang gặp trở ngại, cá nuôi không tiêu thụ được, giá bán thì giảm, người nuôi đứng ngồi không yên.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, lũy kế trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng NTTS toàn tỉnh Đồng Nai đạt trên 35.700 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2020; trong đó, các loại cá nước ngọt đạt sản lượng lớn nhất với gần 31.300 tấn, tăng gần 5,9%. Tuy nhiên hiện nay, người nuôi cá tại huyện Định Quán (vùng nuôi cá trọng điểm tại tỉnh Đồng Nai) đang bị thua lỗ nặng do nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Giá cá bán ra tại ao nuôi thấp hơn nhiều so giá thành mà vẫn không tìm được thương lái thu mua. Hiện nay, người dân chỉ dám cho cá ăn cầm chừng vì giá cám liên tục tăng với mức cao trong khi giá cá bán ra càng ngày càng giảm do tiêu thụ cá ngày càng khó, thậm chí bị ùn ứ cục bộ; mặt khác, việc tiếp cận với nguyên liệu phục vụ sản xuất như thức ăn, thuốc, vi sinh… gặp rất nhiều bất cập. Anh Hậu, một hộ dân nuôi cá bè lâu năm trên sông La Ngà (huyện Định Quán) chia sẻ, hiện giá cá bán ra rất thấp nhưng người nuôi vẫn khó tìm được thương lái thu mua. Trong khi, giá cám hiện tăng thêm 20 – 30% so trước; đây là mức tăng cao nhất từ nhiều năm trở lại đây. Đa số bè nuôi cá đều thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất. Có bè buộc phải bán những lứa cá con 200 – 300 g vì không còn vốn tiếp tục duy trì sản xuất. Nhiều hộ đã ngưng nuôi cá và nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn mấy hộ duy trì được sản xuất vì càng nuôi càng thua lỗ và cũng đã cạn vốn để đầu tư.

Nuôi cá trên sông La Ngà (huyện Định Quán). Ảnh: Nguyễn Chi

Một vấn đề khó khăn nữa đó là việc vận chuyển cá từ Đồng Nai đi tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp nhiều bất cập vì các quy định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Như phản ảnh của các hộ dân nuôi cá lồng bề trên sông La Ngà, ngày 1/9, UBND huyện Định Quán đã ban hành văn bản quy định các tài xế vận chuyển cá đi TP Hồ Chí Minh phải thực hiện “5K”, xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian 3 ngày, có mã QR Code và tất cả tài xế và phụ xe phải cách ly 6 ngày sau mỗi chuyến đi. Như vậy 1 tuần người dân mới tiêu thụ cá được 1 lần; điều này đã làm tăng chi phí cho các xe vận chuyển lên rất nhiều và cũng dẫn đến việc thiếu tài xế và hệ lụy là cá của người nuôi bị ùn ứ, gia tăng thêm chi phí. Theo anh Lĩnh một hộ có diện tích nuôi cá lồng bè lớn trên sông La Ngà, trước đây, bình quân tỉnh Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh khoảng 100 tấn cá/ngày, thì hiện nay giảm còn 15 tấn/ngày. Cá không tiêu thụ được, trong khi giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, người nuôi đang rất khó khăn.

Trước những bất cập này, ngày 4/9/2021, UBND huyện ủy Định Quán đã ban hành Công văn số 01-CV/BCĐ về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với lực lượng lái xe, phụ xe trên địa bàn huyện. Theo đó, các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa khi vào địa bàn huyện cần phải có giấy xét nghiệm test nhanh COVID-19 âm tính trong thời gian 3 ngày; nếu quá 3 ngày hoặc không có giấy xét nghiệm test nhanh COVID-19 thì cần thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 và mất phí; cùng đó, tất cả các trường hợp này phải đi về trong ngày không được lưu trú trên địa bàn huyện.

Về quản lý các xe, người lái xe, phụ xe trên địa bàn huyện đi liên tỉnh, liên huyện cũng cần thực hiện như các nội dung trên. Ngoài ra, lái xe và phụ xe khi kết thúc hành trình về địa phương phải thực hiện cách ly tại các điểm tiếp nhận cách ly các xã, thị trấn Định Quán trong vòng 6 ngày và xét nghiệm COVID-19 theo quy định. Nếu lịch trình đi thường xuyên, mỗi lần đi cách nhau dưới 6 ngày thì khi về địa phương, lái xe và phụ xe phải vào điểm tiếp nhận người tự cách ly của các xã thị trấn ở cách ly; trước ngày đi tiếp theo phải khai báo với UBND cấp xã về hành trình, thời gian đi về để quản lý. Các chủ xe, chủ vựa thu mua, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp vận chuyển hàng hóa phải đăng ký danh sách lái xe, phụ xe, số xe lịch trình di chuyển của xe với UBND các xã, thị trấn để quản lý.

Cũng gặp khó khăn về tình hình vận chuyển tiêu thụ cá, ngày 3/9, các vựa thu mua cá tại khu vực cồn Thái Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã có đơn kêu cứu gửi Sở NN&PTNT Tiền Giang, Sở Công thương Tiền Giang, UBND TP Mỹ Tho, UBND xã Thới Sơn về việc ngừng thu mua cá trên địa bàn xã Thới Sơn. Theo nội dung đơn kêu cứu: Ông Lê Hữu Khanh, đại diện vựa cá điêu hồng tại TP Mỹ Tho chuyên thu mua cá cho các hộ dân nuôi lồng bè trong khu vực cồn Thới Sơn để cung cấp cho hệ thống thực phẩm của Bách Hóa Xanh và các vựa cá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do khu vực ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn có các ca F0 liên quan đến đội đánh bắt cá của các đơn vị khác nên toàn xã đã thông báo ngừng việc thu mua cá của hộ dân tại khu vực cồn Thới Sơn. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các hộ thu mua do có nguy cơ phải bồi thường hợp đồng với các nhà phân phối; còn với người nuôi, cá đã bị quá lứa, càng nuôi lâu càng bị lỗ. Trong khi trước đây lượng tiêu thụ cá hàng ngày là từ 5 – 8 tấn; mặt khác ở thời điểm này, cá nuôi bè giá ở mức cao, 35.000 – 37.000 đồng/kg, nhưng người nuôi chưa thể thu hoạch, xuất bán cá kịp thời là điều đáng tiếc. Theo đó, các hộ thu mua cá mong muốn các ban ngành xem xét và tạo điều kiện để họ tiếp tục tiêu thụ cá cho người nuôi. Trước vấn đề này ông Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho cho biết, UBND thành phố sẽ kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc này. Vấn đề này là chỉ đạo của UBND tỉnh, phải bố trí tạo điều kiện cho người dân bán được sản phẩm đầu ra.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!