Số lượng tàu cá lớn, cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền cũng được bố trí xây dựng trải đều các địa phương ven biển. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng đã nảy sinh nhiều bất cập. Ngành thủy sản đang tích cực khắc phục những vấn đề này.
Bất cập
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện mỗi năm cả nước khai thác 3 – 3,4 triệu tấn hải sản, giá trị 83.482 tỷ đồng và 3,3 tỷ USD xuất khẩu năm 2018. Tuy nhiên, tính toán cho thấy trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển nước ta chỉ vào khoảng 4,36 triệu tấn, khả năng khai thác cho phép chỉ 2,45 triệu tấn. Bởi vậy, phải nghiên cứu đánh giá căn cơ và lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đảm bảo bền vững.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, hiện nay tình trạng khai thác đã tới hạn, nguồn lợi thủy sản suy giảm, công nghệ khai thác còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất thiếu và yếu. Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đang xuống cấp, ô nhiễm, khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn xung đột phát triển với các ngành khác như du lịch, giao thông. Cả nước hiện có 96.609 tàu cá. Nhà nước đã đầu tư xây dựng 85 cảng cá đáp ứng cho 82.000 tàu cá cập cảng và xây dựng 89 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáp ứng chỗ cho 44.376 tàu thuyền vào neo đậu. Nhưng, hiện nay thiếu sự gắn kết giữa cảng cá với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khiến tần suất sử dụng khu neo đậu tránh trú bão thấp, nhiều khu vẫn trống chỗ mỗi khi xảy ra bão, trong khi nhiều tàu cá vẫn neo ở khu vực nguy hiểm. Mặt khác, thiếu sự gắn kết cảng cá với lĩnh vực cơ khí đóng sửa tàu cá và khu vực chế biến thủy sản, dẫn đến lãng phí cơ sở hạ tầng, tốn kém chi phí đầu tư, cảng cá thất thu do không cho thuê được mặt bằng.
Thiếu sự gắn kết giữa cảng cá với khu neo đậu tránh trú bão. Ảnh minh họa
Cần thiết thay đổi
Hiện cả nước có 83 cảng cá đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 65% so với quy hoạch. Trong đó, có 57 cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản, 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá vùng khơi trở ra cập cảng, 12 cảng cá chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng. Tổng số lượng hàng hóa qua cảng thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm, với 9.298 lượt tàu mỗi ngày. Trong đó, có 3 cảng cá đáp ứng được tàu công suất lớn nhất 2.000 CV cập cảng.
89 khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 9 khu neo đậu kết hợp cảng cá, bến cá. Sức chứa của khu neo đậu tránh trú bão lớn nhất khoảng 2.000 chiếc, như: Khu neo đậu Vịnh Xuân Đài (Phú Yên); khu Bến Đầm, Bến Đá (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Tính đến năm 2020 là hết thời hạn quy hoạch, hệ thống hậu cần nghề cá đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Phần lớn cảng cá đều quy mô nhỏ, không đáp ứng được điều 78 và 84 của Luật Thủy sản, thiếu diện tích mặt bằng cho sản xuất – kinh doanh hỗ trợ. Cơ khí đóng sửa tàu thuyền và chế biến thủy sản đa phần hoạt động bên ngoài cảng cá, làm tăng chi phí cho người đánh bắt thủy sản và doanh nghiệp chế biến. Một số cảng cá không thu hút được tàu thuyền, gây sự lãng phí. Nhiều cảng cá tình trạng ô nhiễm, gây bức xúc cho địa phương.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác cho biết, quy hoạch cảng cá và khu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2021 – 2030 cần hướng đến tạo thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng cho hậu cần nghề cá, tận dụng vị trí địa lý, phù hợp điều kiện tự nhiên và gắn với ngư trường. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân vào xây dựng cảng cá, hậu cần nghề cá.
>> Trước đây, đã có quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nhưng nay không còn phù hợp với những quy định tại Luật Thủy sản. Bởi vậy, cần phải soạn thảo lại quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. |