Sau khi công trình thủy điện Sơn La tích nước đã tạo cho Quỳnh Nhai vùng lòng hồ rộng lớn, với nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng. Khai thác tiềm năng này, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập các hợp tác xã (HTX) phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Với hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ, nhiều hộ dân dọc 2 bên sông Đà đã có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; xuất phát từ thực tế của địa phương, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiệu quả từ mô hình cho thấy, nuôi cá lồng phù hợp với địa hình sông suối, hồ chứa nước; vật liệu làm lồng dễ kiếm; có thể thả cá với mật độ cao; kỹ thuật nuôi cá đơn giản, thời gian nuôi ngắn, năng suất cao; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo nguồn thực phẩm thuỷ sản sạch.
Mở rộng mô hình nuôi cá lồng với hướng tập trung tạo ra sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập 3 hợp tác xã thủy sản: HTX thủy sản Chiềng Bằng (Chiềng Bằng); HTX bản Xe Ngoài (Chiềng Ơn) và HTX Pá Uôn (Mường Giàng). 3 HTX được hình thành có sự tham gia 42 hộ dân, với 51 lồng cá. Tạo điều kiện cho HTX hoạt động huyện hỗ trợ tiền mua cá giống với 36 tháng không lãi xuất. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cũng hỗ trợ 600 triệu đồng cho 20 nông dân xã Chiềng Bằng tham gia mô hình thủy sản. Ngoài ra, HTX thủy sản còn thu mua sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ cho xã viên.
Đi dọc vùng lòng hồ từ xã Chiềng Bằng đến cầu Pá Uôn, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đang đánh bắt thủy sản và thương lái thì đến mua sản phẩm. Trên mặt hồ trong xanh, đã xuất hiện nhiều lồng bè nuôi cá của nông dân. Ông Tòng Văn Giót, bản Pỉa chia sẻ: Trước kia gia đình tôi cũng nuôi cá lồng, nhưng hiệu quả chưa cao. Tham gia mô hình HTX thủy sản, tôi được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng, nhất là cách làm lồng, thời gian thả cá, chăm sóc và thu hoạch cá. Bây giờ, mỗi năm tôi thả 2 đợt cá. Thả cá tháng 9 năm nay, thì tháng 3 năm sau sẽ thu hoạch; tháng 4 thả thì tháng 8 thu hoạch.
Giới thiệu với chúng tôi về mô hình HTX thủy sản, ông Tòng Văn Tám, Chủ nhiệm HTX Chiềng Bằng thông tin: HTX được thành lập tháng 5 năm 2012, với 18 thành viên và chia làm 3 nhóm. Để có vốn hoạt động, mỗi xã viên góp 15 triệu đồng đầu tư mua vật liệu làm lồng và thức ăn cho cá. Tạo điều kiện cho HTX hoạt động, huyện đã giao hơn 37 ha mặt nước lòng hồ; hỗ trợ 100% giống cá trong thời gian 36 tháng. Theo dự kiến ban đầu HTX sẽ nuôi 24 lồng cá. Cuối tháng 9, HTX đã tiến hành thả cá được 8 lồng, chủ yếu là giống cá trắm, cá chép. Dự kiến, cuối năm HTX sẽ nuôi thêm thủy cầm.
Có thể thấy, việc xây dựng các HTX thủy sản đang là hướng mở cho nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phát triển bễn vững. Tuy nhiên để mô hình HTX thủy sản đi vào hoạt động hiệu quả rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành quy hoạch phát triển kinh tế vùng lòng hồ; có chính sách hỗ trợ về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng thị trường tiêu thụ cho các hợp tác xã góp phần để nghề thủy sản phát triển đúng hướng.