T2, 06/07/2020 12:07

Ra khơi “hái lộc biển”

Chưa có đánh giá về bài viết

Với việc giá xăng dầu giảm thấp nhất trong 9 năm vừa qua, cùng điều kiện thời tiết thuận lợi, việc triển khai Nghị định 67 (Nghị định 89) hiệu quả; những chuyến biển ra khơi đầu năm được mùa được giá mang lại hy vọng đánh bắt ngoài khơi năm nay nhiều may mắn, thuận lợi.

Hối hả ra khơi

Quảng Ninh

Ngay sau Tết, tận dụng thời tiết thuận lợi, biển lặng, hơn 250 tàu thuyền thuộc xã Tiến Tới, huyện Hải Hà đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ngư cụ sẵn sàng ra khơi.

Là địa phương có số lượng phương tiện khai thác thủy sản lớn của huyện Hải Hà, những năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, ngư dân nơi đây đã vay vốn, cải hoán, đóng mới nhiều tàu công suất lớn, mua sắm thêm lưới cụ, nâng cao công suất. Theo đó, tổng sản lượng khai thác thủy sản hơn 3.500 tấn/năm, thu nhập bình quân 32,7 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Ông Đinh Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiến Tới cho biết, để có vụ khai thác hiệu quả, địa phương đã chỉ đạo ngư dân chuẩn bị tốt các điều kiện khai thác từ trước Tết để đầu năm ra khơi thuận lợi hơn.

 

Đà Nẵng

Không khí tấp nập ra khơi đầu năm thể hiện rõ tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà. Hàng trăm tàu thuyền câu mực, giã cào, lưới vây… có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… cùng đồng loạt ra khơi đón mùa cá nổi ở ngư trường Hoàng Sa. Ngay từ đầu năm, giá xăng dầu liên tiếp hạ, giúp áp lực phí tổn các chuyến biển của ngư dân giảm hơn. Theo tính toán của ngư dân, đi khai thác trong 15 ngày thì tàu công suất vài trăm mã lực trở lên tiêu tốn khoảng 1.000 lít dầu; phí tổn các loại bây giờ đã giảm 3 – 4 triệu đồng/tàu.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: Hàng loạt chuyến tàu của ngư dân địa phương đã ra khơi đánh bắt sau Tết. Năm 2015, hơn 120 tàu của An Hải khai thác hơn 17.400 tấn hải sản; thu nhập bình quân 100 – 150 triệu đồng/người/năm. Năm nay phấn đấu nâng cao sản lượng đánh bắt và tăng thu nhập.

ra khơi hái lộc biển

Ngư dân nhiều địa phương đồng loạt ra khơi chuyến biển đầu năm – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Quảng Ngãi

Tại cảng cá Sa Kỳ, Quảng Ngãi, hàng trăm tàu cá cập sát bến cảng; ngư dân sửa soạn, vận chuyển ngư cụ xuống tàu sẵn sàng ra khơi. Trên mỗi tàu có thêm mâm cỗ với các lễ vật cúng thần linh đầu năm, mong một mùa đánh bắt thuận lợi, sản lượng cao… Tàu nào cũng được trang hoàng rực rỡ, có cờ Tổ quốc, pano, khẩu hiệu thể hiện quyết tâm của ngư dân trong mùa đánh bắt mới. Ngư dân Trương Hùng, chủ 2 tàu QNg 91781 TS và QNg 91882 TS, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi cùng các bạn thuyền đang tiếp nhiên liệu, chuẩn bị hàng hóa cho chuyến biển dự kiến khoảng 1 tháng; với 5.000 lít dầu, 500 cây đá lạnh cùng lương thực dự trữ cho 15 thuyền viên.

 

Ninh Thuận

Ghi nhận tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải không khí đầu năm mới tại cảng tấp nập nhộn nhịp hẳn lên, hàng trăm ghe tàu đã có lãi sau những chuyến đánh bắt đầu năm. Anh Võ Văn Hương (xã Thanh Hải) chủ ghe mang số hiệu NT 91086 TS cho biết: “Ghe của tôi xuất bến ngày mùng 4 Tết, mấy ngày nay ngày nào cũng đầy cá nục, trong ngày mùng 7 Tết tôi đánh bắt được 3 tấn cá nục, trừ chi phí lãi trên 20 triệu đồng. Riêng ngày mùng 8 Tết tôi bán cho các thương lái hơn 1,2 tấn cá nục, với giá 25.000 đồng/kg, lãi hơn 10 triệu đồng/ngày, nhờ có lãi sau những chuyến sau Tết nên tôi rất phấn khởi, giúp tôi có động lực để vươn khơi”.

 

Bạc Liêu

Tại các cửa biển lớn như Gành Hào, Vĩnh Hậu, Nhà Mát… hàng loạt tàu cá tấp nập nối đuôi nhau ra biển; thể hiện khát vọng của ngư dân về một năm khai thác được mùa, được giá. Chia sẻ về điều này, ngư dân Trần Văn Cường, chủ tàu cá xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình tâm sự, chuyến biển đầu năm của ngư dân tương đối thuận lợi, đây được xem như điều may mắn đầu năm mà biển khơi ban tặng. Các loại thủy sản do ngư dân đánh bắt vẫn là tôm, mực, cá… Hiện, tại cảng cá Gành Hào có gần 240 tàu cập cảng, số lượng hàng hóa qua cảng là gần 3.800 tấn.

vận chuyển cá lên bờ

Cá được vận chuyển lên bờ sau chuyến đánh bắt

 

Ước vọng mới

 Để hạn chế những rủi ro trên biển, hàng nghìn ngư dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng… đã thành lập các tổ đội giúp đỡ nhau, ngăn cản tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển Tổ quốc. Việc phát huy hiệu quả các tổ đội này là hết sức cần thiết và có giá trị lớn. Mặt khác, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân; điển hình là Nghị định 89 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) đã phát huy hiệu quả. Đến nay, Quảng Ngãi có 35 tàu ký hợp đồng đóng mới; Khánh Hòa 28 tàu; Bình Định 35 tàu;  Quảng Bình dẫn đầu cả nước về tiến độ thực hiện với 86 tàu đóng mới.

Ngoài ra, với việc chủ động tháo gỡ được khó khăn về vốn vay lưu động theo Nghị định 89, chuyến biển đầu năm của ngư dân nhiều thuận lợi hơn, giảm tiền vay nóng trước mỗi chuyến biển như trước đây. Làm ăn hiệu quả hơn, ngư dân sẽ đóng mới, nâng cấp tàu ra khơi. Mặt khác, Nghị định 89 quy định thời gian vay vốn 16 năm, thời gian trả nợ và thu hồi vốn rải đều các năm, ngư dân giảm được áp lực trả nợ; đồng thời, cho phép sử dụng máy cũ còn tốt cho tàu cá nâng cấp cũng tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân.

Những chính sách và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước là nguồn động viên, động lực lớn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, đóng mới, đào tạo thêm lao động nghề cá để ra khơi khai thác hải sản, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng đó, cũng cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện trong quá trình khai thác thủy sản, xử lý kịp thời các tình huống bất lợi xảy ra.

>> Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng khai thác thủy sản tháng 1/2016 khoảng 216.000 tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khai thác biển  205.000 tấn, tăng 2,5%; khai thác nội địa 11.000 tấn, tăng 10%. Đang mùa chính của vụ cá Bắc, các tàu khai thác tranh thủ thời tiết thuận lợi, tích cực ra khơi, bám biển.

Nhóm PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!