Mấy ngày vừa qua, theo ghi nhận của chúng tôi từ những cảng cá trong tỉnh, tất cả những con tàu cập bến đều chở đầy ắp thủy sản đánh bắt được. Có thể hình dung nỗi mừng vui của ngư dân khi “trúng” biển như thế nào nếu chứng kiến sự náo nhiệt ở cảng cá.
Tàu của ngư dân đang đưa sản phẩm lên bờ tại cảng cá Quy Nhơn.
Sau những ngày ra khơi đánh bắt kéo dài từ 20 – 25 ngày, đến mùa trăng, tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh lần lượt vào bờ để bán sản phẩm. Các cảng cá Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi sôi động hẳn lên bởi hoạt động mua bán thủy sản.
Cập cảng cá Quy Nhơn với khoang tàu đầy cá, mực, anh Nguyễn Quang Hưng, ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), thuyền trưởng tàu cá vỏ thép BĐ 99117 TS, công suất 822 CV, làm nghề mành chụp, phấn khởi: “Chuyến biển này tàu tôi đánh bắt được hơn 30 tấn cá, mực; trừ chi phí, mỗi lao động trên tàu cũng kiếm được 10 triệu đồng. Đánh bắt được mùa, lại về trúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nên anh em “bạn” vui mừng lắm, bởi vừa có thu nhập, lại được dịp nghỉ biển để chơi lễ”.
Phía bên kia cầu cảng, tàu cá BĐ 91388 TS, công suất 670 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cũng đang bán cá ngừ đại dương. Từng con cá ngừ đại dương màu đen bóng (trọng lượng từ 15 – 40 kg/con) được các “bạn” thuyền cột vào dây kéo lên bằng máy cảo để đưa ra khỏi khoang tàu.
Ông Minh tươi cười cho biết: “Chuyến biển trước tàu tôi đánh bắt chỉ đủ tổn. Chuyến này mới ra khơi được 15 ngày đã trúng đậm mẻ cá ngừ đại dương hơn 300 con. Cá ngừ đại dương thường phải câu mới có. Rất khó đánh bắt loại cá này bằng mành lưới. Nên trúng chuyến biển này anh em rất mừng. Dù giá cá ngừ đánh bắt bằng lưới bán thấp hơn nhiều so với cá câu, chỉ 75.000 đồng/kg, nhưng bấy nhiêu cũng đã rất vui vì mỗi phần “bạn” cũng được chia tới 20 triệu đồng”.
Tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Tam Quan để bán cá ngừ đại dương.
Tại cảng cá Tam Quan, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa cũng trúng đậm sau những ngày bám biển. Ông La Văn Trí, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97358 TS, công suất 400 CV, cho biết: “Từ Tết Nguyên đán đến nay, tàu tôi khai thác cá ngừ đạt khá. Riêng chuyến biển này, tàu tôi câu được tới 45 con/1,7 tấn cá ngừ. Giá cá ngừ đại dương hiện chỉ còn 107 ngàn đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn được xem là cao. Nhờ vậy, tính ra 6 lao động trên tàu mỗi người cũng được chia 10 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan, trung bình mỗi mùa trăng, khoảng 1.000 lượt tàu cá cập bến cảng cá Tam Quan; sản lượng thủy sản mỗi tàu từ 10 – 20 tấn với tàu làm nghề lưới rút, từ 1 – 1,3 tấn với tàu câu cá ngừ đại dương. Tại cảng có 19 cơ sở mua gom thủy sản và 22 điểm bến. Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, đến nay, Ban quản lý cảng cá Tam Quan cũng đã xác nhận nguồn gốc hơn 31.738 kg thủy sản, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương được xác nhận nguồn gốc chiếm 85%.
Những năm gần đây, nhờ các chính sách về phát triển thủy sản của Nhà nước hỗ trợ, ngư dân cũng tự bỏ vốn trang bị thêm các thiết bị hiện đại để đánh bắt thủy sản, như: máy dò chụp, dò quét, định vị… giúp đánh bắt đạt năng suất, hiệu quả cao. Ngư dân Trần Đình Nguyên, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 91018 TS, công suất 740 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, cho hay: Không chỉ đầu tư máy móc hiện đại để tăng hiệu quả kinh tế, ngư dân chúng tôi tham gia đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết trên biển để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, hay khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển. Điểm khiến ngư dân chúng tôi rất vui mừng là năng lực của dịch vụ hậu cần nghề (cung cấp nước, lương thực, xăng dầu) tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, như: Song Tử Tây, Đá Tây… ngày càng tốt, giúp ngư dân vững tin vươn khơi phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đoàn Ngọc Nhuận
Theo Báo Bình Định